Đau khớp cùng vai đòn điều trị bằng cách nào

Đau khớp cùng vai đòn điều trị bằng cách nào?

Khớp cùng vài đòn

Vùng khớp vai là vị trí rất dễ bị tổn thương, bởi vì đây là khớp có phạm vi hoạt động rộng nhất. Đau khớp cùng vai đòn là tổn thương thường gặp ở vùng khớp vai. Vậy phải làm sao khi gặp phải tình trạng đau khớp cùng vai đòn? Hãy cùng Sống Khỏe Mỗi Ngày tham khảo bài viết sau đây nhé.

Đau khớp cùng vai đòn là một tổn thương hay gặp ở vùng khớp vai. Để hiểu rõ về tổn thương này thì ta cần phải nắm rõ được cấu tạo cũng như chức năng của khớp cùng vai đòn.

1. Khớp cùng vai đòn là gì?

Cấu trúc vùng vai bao gồm xương bả vai, xương đòn, xương cánh tay được hỗ trợ bởi các mô mềm gồm cơ và dây chằng. Các xương này được kết nối với nhau bằng bao khớp và các dây chằng tạo thành các khớp cùng – đòn và khớp ổ chảo – cánh tay. Cấu tạo đặc biệt này cho phép cánh tay có thể hoạt động trong phạm vi rất rộng. Tuy nhiên, đây cũng chính là lý do khiến vùng vai trở thành nơi dễ bị tổn thương.

Khớp cùng vai đòn không có nhiều vận động như các khớp khác. Tuy nhiên nó cũng tham gia vào hoạt động của vùng vai, giúp cho cánh tay có tầm hoạt động rộng hơn. Khớp cùng vai đòn cũng là nơi nối tiếp phần xương vai cánh tay với khung xương của cơ thể. Vì thế, tình trạng đau khớp cùng vai đòn cũng hạn chế vận động của vai là cánh tay.

Khớp cùng vài đòn
Cấu tạo đặc biệt của khớp vai cho phép cánh tay có thể hoạt động trong phạm vi rất rộng

2. Dấu hiệu của đau khớp cùng vai đòn

Khớp cùng vai đòn có thể bị tổn thương từ cả chấn thương cấp tính và chấn thương lặp đi lặp lại. Chấn thương cấp tính tình xảy ra khi xuất hiện sự va đập trực tiếp vào khớp vai khi chơi thể thao hoặc đi xe đạp. Ngoài ra, sự kéo căng liên tục khi ném hay do tính chất công việc phải giơ cánh tay lên bắt chéo qua người cũng có thể dẫn đến đau khớp cùng vai đòn.

Bên cạnh những chấn thương vật lý thì đau khớp cùng vai đòn cũng là triệu chứng của một số bệnh lý. Điển hình có thể kể đến căn bệnh thoái hóa khớp cùng vai đòn hay bệnh viêm khớp.

Bệnh nhân bị đau khớp cùng vai đòn thường than phiền về những cơn đau xuất hiện khi với tay ra trước ngực. Thông thường những người mắc phải bệnh lý này sẽ không thể ngủ trên vai bị đau. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có cảm giác kẹt khớp, đặc biệt là vào buổi sáng khi mới ngủ dậy.

Khớp cùng vài đòn
Bệnh nhân đau khớp cùng vai đòn có cảm giác kẹt khớp, đặc biệt là vào buổi sáng khi mới ngủ dậy

3. Chẩn đoán đau khớp cùng vai đòn

Khi có các dấu hiệu đau nhức vùng khớp vai, bạn cần đến gặp bác sĩ để thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Để tìm ra nguyên nhân gây đau khớp cùng vai đòn, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn làm một số xét nghiệm như:

  • Chụp X-quang thường quy: Điều này có thể cho thấy sự hẹp hoặc xơ cứng khớp.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp này được chỉ định nếu nghi ngờ dây chằng bị rách. MRI có thể thấy rõ mức độ tổn thương của dây chằng.
  • Siêu âm khớp: Phương pháp này sẽ hữu ích nếu nghi ngờ có u nang.

Có nhiều nguyên nhân gây đau khớp cùng vai đòn như viêm khớp dạng thấp, u nang khớp, viêm khớp nhiễm khuẩn cấp tính hoặc là do chấn thương. Vì vậy nên bác sĩ cần khám thật kỹ để xác định chính xác nguyên nhân. Từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho tình trạng của mỗi bệnh nhân.

4. Điều trị đau khớp cùng vai đòn

Mỗi bệnh nhân sẽ có một mức độ tổn thương vùng vai đòn khác nhau. Tùy theo mức độ tổn thương và nguyên nhân gây đau khớp cùng vai đòn mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.

4.1. Điều trị nội khoa

Đối với các tình trạng đau nhẹ, người bệnh có thể áp dụng các phương pháp điều trị tại nhà như:

  • Để khớp vai nghỉ ngơi, thay đổi thói quan vận động: Khi bị đau khớp cùng vai đòn hay bất kỳ khớp nào trên cơ thể thì điều đầu tiên bạn cần làm là để khớp nghỉ ngơi và hạn chế các động tác tăng áp lực lên vùng khớp bị tổn thương.
  • Chườm lạnh: Đây là phương pháp giảm đau phổ biến đối với các triệu chứng đau nhức xương khớp.
  • Dùng các loại thuốc giảm đau: Sử dụng các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) hay chất ức chế cyclooxygenase (COX-2) để giảm đau, kháng viêm cho khớp cùng vai đòn.
  • Tập các bài tập vật lý trị liệu: Những bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với tình trạng tổn thương sẽ có tác dụng hồi phục và giúp khớp linh hoạt hơn.

Xem thêm: Viêm quanh khớp vai nặng có thể bị tàn phế

4.2. Điều trị ngoại khoa

Sau khi điều trị nội khoa khoảng 2-3 tháng mà không có sự cải thiện thì lúc này bệnh nhân nên phẫu thuật. Tùy theo tình trạng tổn thương mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp. Bác sĩ có thể tiến hành cắt bỏ đầu tận của xương đòn. Hoặc cũng có thể phẫu thuật mài các gai xương và tạo hình cho khớp cùng đòn.

Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp giảm đau và cải thiện chức năng vận động của vùng khớp vai. Khi những phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả thì người bệnh cần cân nhắc đến việc phẫu thuật. Để không xuất hiện biến chứng và quá trình điều trị dễ dàng thì bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị.

Khớp cùng vai đòn tuy chỉ là một khớp nhỏ nhưng tình trạng đau khớp cùng vai đòn có thể ảnh hưởng đến sự vận động của vai và tay. Hy vọng bài viết này có thể giúp bạn hiểu thêm về tình trạng này.

 

Bài viết liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *