Dấu hiệu trật khớp gối và cách điều trị cần biết

Dấu hiệu trật khớp gối và cách điều trị

Dấu hiệu trật khớp gối và cách điều trị

Trật khớp gối là tình trạng chấn thương ở khớp gối không phổ biến nhưng lại rất nghiêm trọng. Tổn thương gây ra có nguy cơ đe dọa mất chi, vì vậy người bệnh cần nắm bắt các dấu hiệu trật khớp gối để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời khi bị chấn thương. Hãy cùng Sống Khỏe Mỗi Ngày tìm hiểu ngay bài viết sau đây nhé:

1. Tìm hiểu về trật khớp gối

Trật khớp gối là tình trạng cấu trúc xương ở đầu gối, cụ thể là khớp xương chày và xương đùi bị sai lệch so với vị trí ban đầu, khiến toàn bộ khớp gối bị trật ra phía sau.

Trật khớp gối là một trong những chấn thương ở gối rất nặng và ít thấy, bởi vì cấu tạo của khớp gối rất vững chắc, các cơ khớp và dây chằng liên kết chặt chẽ với nhau, phải cần một lực rất mạnh đập vào đầu gối trong tình trạng đầu gối đang gập lại, mới có thể gây trật khớp được.

Vì vậy, phần lớn trật khớp gối là chấn thương rất mạnh do tai nạn giao thông hoặc thể thao gây ra. Đôi khi, chấn thương nhẹ hơn như từ trên cao rớt xuống hố, hoặc té ngã cũng có thể khiến khớp gối bị xoắn và trật.

Dấu hiệu trật khớp gối

Trong các chấn thương ở chân, trật khớp gối là tình trạng rất nguy hiểm cần được cấp cứu bởi khi đó mạch máu và các dây thần kinh bị tổn thương rất nặng, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như hỏng khớp, mất vững khớp và các biến chứng liên quan đến động mạch và dây thần kinh ở chân như động mạch khoeo và dây thần kinh chày, mác. Hậu quả nặng nề cuối cùng là người bị thương có thể phải cắt cụt chân khi các chi không nhận được máu đến nuôi dưỡng.

Do đó, trật khớp gối cần được phát hiện sớm và xử trí ngay nhưng phải đúng cách để hạn chế thấp nhất các biến chứng xấu có thể xảy ra. Tuy nhiên, phẫu thuật trật khớp gối rất phức tạp, bệnh nhân có thể phải phẫu thuật nhiều lần để tái tạo phần cấu trúc nhằm phục hồi lại chức năng của khớp gối.

2. Nguyên nhân gây trật khớp gối

Khớp đầu gối nằm giữa xương cẳng chân và xương đùi, đây là nơi gặp nhau của ba hệ xương gồm xương bánh chè, xương đùi và xương chày. Bên cạnh đó, hệ dây chằng quanh khớp có vai trò như là phương tiện giữ khớp, bao hoạt dịch tiết ra dịch khớp giúp bôi trơn mặt khớp, nuôi dưỡng sụn khớp và ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng khớp.

Trật khớp gối xảy ra làm cho xương chày và xương đùi bị lệch khỏi vị trí ban đầu và không còn gặp nhau ở khớp gối. Tổn thương nghiêm trọng và có thể dẫn đến nguy cơ mất chi dưới, vì vậy người bệnh cần được xử lý và điều trị càng sớm càng tốt. Hiện tượng trật khớp gối có thể được gây ra bởi các chấn thương tiếp xúc mạnh vào vùng đầu gối như tai nạn giao thông, chấn thương thể thao… hoặc các hoạt động xoay, vặn người quá mạnh hay bất thường. Ngoài ra, cần phân biệt giữa trật khớp gối và sai khớp gối nhẹ – tình trạng xảy ra do dây chằng ngoài bị tổn thương nhưng vị trí các xương khớp không bị thay đổi.

3. Triệu chứng dấu hiệu trật khớp gối

Triệu chứng dấu hiệu trật khớp gối thường gặp ở người bệnh bao gồm:

  • Sưng đỏ, biến dạng khớp có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
  • Cẳng chân bị tổn thương có triệu chứng ngắn hơn và bị lệch khỏi vị trí ban đầu so với chân còn lại.
  • Bất kỳ hoạt động nào liên quan đến vị trí khớp đầu gối đều gây triệu chứng đau dữ dội.
  • Xuất hiện âm thanh ở khớp gối khi di chuyển
  • Sưng, bầm tím đầu gối nghiêm trọng.
Dấu hiệu trật khớp gối
Dấu hiệu trật khớp gối bao gồm sưng đỏ, biến dạng khớp

4. Phân loại trật khớp gối

Dựa vào dấu hiệu trật khớp gối và sự dịch chuyển của xương chày so với xương đùi, bệnh lý được chia thành các nhóm như sau:

  • Trật ra trước: Đây là loại trật khối có tỷ lệ gặp lớn nhất với 30 – 50% người bệnh bị trật khớp gối. Trong trường hợp này dây chằng chéo sau (PCL) thường bị đứt, 50% người bệnh bị đứt động mạch khoeo và nguy cơ tổn thương mạch máu lớn hơn 40%.
  • Trật ra sau: Nguy cơ tổn thương mạch máu lớn hơn 40%.
  • Trật ra ngoài
  • Trật vào trong
  • Trật khớp thể phối hợp: Trật vào trong hay ra ngoài kết hợp xoay khớp.

5. Tổn thương do trật khớp gối

Người bệnh bị trật khớp gối có thể gặp các tổn thương như sau:

  • Tổn thương thần kinh mạch máu phối hợp: Đây là tổn thương cần được phát hiện sớm.
  • Đứt dây chằng chéo trước (ACL) và đứt dây chằng chéo sau (PCL) gặp trong hầu hết các trường hợp, tổn thương dây chằng chéo bên, sụn thêm và bao khớp.
  • Tổn thương gãy gai chày, lồi củ xương chày và chỏm xương mác.

6. Trật khớp gối nên làm gì?

Như đã đề cập ở trên, trật khớp gối là một chấn thương rất nặng, vì vậy, tốt nhất là người bị thương nên được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt, nhất là khi chấn thương gối có những biểu hiện sau:

  • Đầu gối hoặc vùng xung quanh ở chân bị đau hoặc sưng rất nghiêm trọng, nhất là sau khi mới bị chấn thương.
  • Đầu gối trông như bị biến dạng.
  • Tê chân, không thấy được nhịp mạch đập ở chân.

Nhiều người sau chấn thương bị trật khớp gối thường áp dụng cách chữa trật khớp thông thường là chườm lạnh và nghỉ ngơi. Tuy nhiên, cách này chỉ có thể làm giảm tình trạng sưng, đau ở đầu gối, tốt nhất là người bị thương nên thăm khám bác sĩ, tránh để lâu gây biến chứng xấu.

7. Chẩn đoán trật khớp gối

Để chẩn đoán chính xác tình trạng trật khớp gối, đầu tiên, bác sĩ sẽ thăm khám và nhìn kỹ đầu gối của người bị thương từ nhiều góc khác nhau, bác sĩ cũng có thể ấn nhẹ vào khớp gối nhằm đánh giá tình trạng tổn thương của các cấu trúc bên trong.

Sau đó, người bị thương có thể được yêu cầu tiến hành một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm để kết luận chính xác tổn thương trật khớp gối như thế nào, làm cơ sở để đưa ra phương án điều trị:

  • Chụp X-quang: Hình ảnh X-quang cho thấy toàn bộ phần cấu trúc ở bên trong khớp gối như gãy xương hoặc xương trật khỏi khớp.
  • Chụp X-quang động mạch siêu âm hoặc siêu âm Doppler động mạch: Kỹ thuật này cho phép đánh giá các mạch máu ở gối bị tổn thương như thế nào do trật khớp gối, lưu lượng máu ở động mạch.
  • Chụp MRI: Hình ảnh MRI cho phép đánh giá những tổn thương ở các mô mềm của khớp gối bao gồm sụn, gân và cơ.
  • Kiểm tra mạch đập ở bàn chân.
Dấu hiệu trật khớp gối
Chụp X – quang để chẩn đoán trật khớp gối

8. Điều trị trật khớp gối

Hiện nay, điều trị trật khớp gối gồm có 2 phương pháp, đó là phẫu thuật và trị liệu.

8.1. Điều trị trật khớp gối bằng trị liệu

Với phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng lực tay để nắn sai khớp, điều chỉnh, đưa các xương ở khớp gối về vị trí ban đầu. Sau đó, người bị thương được bó bột và bất động đầu gối trong tư thế gập nhẹ khoảng 15 độ (thời gian 1 tuần) và bó ống (thời gian 3 tuần) để chức năng vận động của khớp gối được hồi phục và cắt cơn đau.

Dấu hiệu trật khớp gối

Sau thời gian bó bột, người bệnh được hướng dẫn thực hiện các bài tập vật lý trị liệu ở khớp gối, co duỗi khớp gối để tránh tình trạng bị cứng khớp và giúp tăng cường sức mạnh cơ vùng đầu gối, sớm phục hồi chức năng khớp gối.

8.2. Điều trị trật khớp gối bằng phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định nhằm điều chỉnh cấu trúc khớp gối bao gồm xương đùi, xương chày bị sai lệch khỏi vị trí, hoặc trật khớp gối làm gãy xương, dây chằng bị rách, dây thần kinh bị tổn thương. Tùy theo tổn thương, phẫu thuật có thể đóng khung cố định bên ngoài hoặc bên trong xương chày, xương đùi bằng đinh.

Tuy nhiên, dù phẫu thuật được tiến hành là mổ hở hay nội soi, đây không phải là biện pháp thường được lựa chọn để điều trị trật khớp gối bởi tiềm ẩn một số rủi ro như nhiễm trùng, cứng khớp, mất chức năng khớp gối, khớp gối bị biến dạng vĩnh viễn, tổn thương dây thần kinh xung quanh.

9. Trật khớp gối bao lâu thì khỏi?

Tùy vào mức độ tổn thương, thời gian phục hồi sẽ nhanh hay chậm. Với trường hợp trật khớp gối nhẹ, chỉ cần bó nẹp, giữ chân cao và vết thương được chườm đá để giảm sưng, thì người bệnh vẫn có thể di chuyển được.

Thời gian hồi phục sẽ lâu hơn, khoảng 6 tuần thường gặp ở những người bị trật khớp gối phần xương bánh chè. Tuy nhiên, tốt nhất là các trường hợp trật khớp gối cần được bác sĩ kiểm tra để đánh giá chính xác tình trạng tổn thương, người bệnh được xử trí và hướng dẫn tập các bài tập vật lý trị liệu để hạn chế biến chứng và tránh bị trật khớp lại.

Trật khớp gối là một chấn thương nghiêm trọng ở chân, dù ít gặp nhưng hậu quả có thể dẫn đến là cắt cụt chân. Trật khớp gối nhẹ có thể điều trị bằng bó nẹp, tuy nhiên với những trường hợp xương, mạch máu và các dây thần kinh xung quanh bị tổn thương thì buộc phải phẫu thuật.

Nguồn: https://www.vinmec.com/vi/co-xuong-khop/suc-khoe-thuong-thuc/cac-dau-hieu-canh-bao-trat-khop-goi/

Bài viết liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *