Biến chứng của bệnh lupus ban đỏ hệ thống & độ nguy hiểm

Biến chứng của bệnh lupus ban đỏ hệ thống và mức độ nguy hiểm

Biến chứng của bệnh lupus ban đỏ hệ thống

Lupus ban đỏ thuộc nhóm bệnh tự miễn gây biến chứng lên toàn bộ cơ thể. Nếu bệnh nhân không được chữa trị kịp thời, triệt để dễ dẫn đến tử vong. Những hiểu biết về căn bệnh này rất cần thiết để bạn bảo vệ sức khỏe của mình thật tốt. Hãy cùng Sống Khỏe Mỗi Ngày tìm hiểu bài viết sau sẽ giúp bạn nắm được biến chứng của bệnh lupus ban đỏ hệ thống và phòng ngừa được nguy cơ mắc bệnh.

1. Bệnh lupus ban đỏ là gì?

Bệnh lupus ban đỏ được chia làm 2 dạng chính:

  • Lupus ban đỏ dạng dĩa
  • Lupus ban đỏ hệ thống

Hiện nay y học chưa tìm ra phương thức chữa trị hoàn toàn căn bệnh này thế nhưng nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ kiểm soát được diễn tiến của bệnh.

Theo thống kê cho thấy rằng, bệnh nhân nữ giới mắc bệnh này lên đến tỉ lệ 90%. Và lứa tuổi phổ biến nhất từ khoảng 15 – 50 tuổi, chiếm tỷ lệ 50/100.000 dân.

Bệnh lupus ban đỏ là gì?
Bệnh nhân lupus ban đỏ đa phần là nữ giới

2. Nguyên nhân gây bệnh lupus ban đỏ hệ thống

Lupus xuất hiện do cơ thể có những sai lệch về đáp ứng miễn dịch, dẫn đến hệ miễn dịch chống lại chính những cơ quan trong cơ thể.

Tuy nhiên, trên thực tế những nguyên nhân gây ra lupus không thể xác định. Thế nhưng, một vài yếu tố sau có thể gây ra lupus:

  • Ánh nắng mặt trời: việc phơi nắng sẽ gây ra những tổn thương trên da hoặc trở thành khởi phát của 1 đáp ứng trong cơ thể người nhạy cảm.
  • Các nhiễm khuẩn: nhiễm khuẩn sẽ mở đầu cho lupus hoặc gây tái phát lupus ở một số bệnh nhân.
  • Các thuốc: lupus có thể khởi phát từ 1 số thuốc chống động kinh, thuốc điều trị huyết áp và kháng sinh. Đối với bệnh nhân mắc lupus do thuốc sẽ ngừng các triệu chứng khi họ ngừng sử dụng thuốc.

3. Biểu hiện cảnh báo bệnh lupus ban đỏ

Đây là căn bệnh nguy hiểm thế nhưng lại khó chẩn đoán do biểu hiện không giống nhau ở từng bệnh nhân. Thêm vào đó dấu hiệu của bệnh lupus dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh khác.

Tốt nhất là chúng ta nên thường xuyên theo dõi những biểu hiện bất thường của cơ thể và liên hệ ngay với các bác sĩ để được thăm khám sớm. Dưới đây sẽ là một số dấu hiệu cảnh báo cho bạn về căn bệnh lupus ban đỏ để kịp thời điều trị:

3.1. Phát ban ở mặt

Triệu chứng rõ rệt và dễ nhận biết nhất chính là vết ban hình dạng con bướm vị trí mũi và má. Theo ghi nhận có khoảng 30% bệnh nhân mắc lupus có triệu chứng này.

3.2. Sốt kéo dài

Triệu chứng sốt diễn ra khi cơ thể bị viêm nhiễm và theo ghi nhận thì rất ít bệnh nhân lupus có dấu hiệu sốt. Thế nhưng khi cơ thể bị sốt kéo dài và tái phát thì bạn nên đi kiểm tra lupus nhé.

3.3. Da nổi phát ban khi ra ngoài trời

Bệnh nhân lupus đặc biệt nhạy cảm với tia UV thế nên sau khi ra ngoài trời họ dễ nổi phát ban hay loét da ở những khu vực mặt, cổ hay cánh tay.

Nguyên nhân gây bệnh lupus ban đỏ hệ thống
Bệnh nhân lupus dễ nổi phát ban sau khi tiếp xúc tia UV

3.4. Đau khớp

Lupus thường bị nhầm lẫn với bệnh viêm khớp vì đều có cùng triệu chứng cứng và đau ở khớp các vị trí như bàn tay, cổ tay và mắt cá nhân. Hãy kiểm tra sức khỏe nếu cơ thể gặp khó khăn trong cử động sau khi ngủ và ngồi lâu.

3.5. Rụng tóc

Lupus khiến tóc người bệnh bị rụng và có những vết hói trên đầu, thậm chí là nổi phát ban trên da đầu.

3.6. Tê ngón tay, ngón chân

Theo ghi nhận có đến 1/3 bệnh nhân lupus mắc hội chứng Raynaud dẫn đến việc mạch máu làm nhiệm vụ truyền máu đến da bị teo nhỏ lại. Hệ tuần hoàn bị ảnh hưởng khiến ngón tay, ngón chân bị tê và đổi màu thành trắng hoặc tím tái.

3.7. Đau ngực

Cảm giác đau ngực khi ho hay thở sâu báo hiệu cho bạn căn bệnh viêm màng phổi nếu bạn bị lupus. Ngoài ra, căn bệnh này còn gây viêm màng tim khiến bạn có cảm giác đau ngực khi nằm nhưng sẽ đỡ hơn khi bạn ngồi và ngả về trước.

3.8. Chấm đỏ trên da

Căn bệnh lupus sẽ tấn công vào tiểu cầu – tế bào giúp chúng ta cầm máu bằng việc làm vón cục máu và đông lại. Nếu lượng tiểu cầu xuống thấp trên da sẽ xuất hiện chấm đỏ bởi mạch máu bị rò rỉ. Một số người sẽ bị chảy máu mũi và nướu khi đánh răng.

4. Biến chứng của bệnh lupus ban đỏ hệ thống

Bệnh lupus có diễn tiến phức tạp theo từng đợt ngày càng nặng hơn và gây tổn thương lên khắp các bộ phận quan trọng như thận, tim mạch, thần kinh, hô hấp,… Một số trường hợp nặng còn gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Nếu như không được kiểm soát hiệu quả bệnh này sẽ gây ra tổn thương cho nội tạng trong cơ thể, tương ứng với những dấu hiệu của bệnh.

  • Tim: bệnh lupus sẽ gây ra viêm cơ tim, tràn dịch trong màng tim. Nếu kéo dài sẽ gây ra suy tim mạn. Một vài trường hợp biến chuyển tối cấp, viêm cơ tim cấp khiến suy tim cấp và bệnh nhân có thể tử vong vì trụy mạch.
  • Phổi: bệnh nhân sẽ khó thở, bị suy hô hấp cấp bởi tràn dịch màng phổi hoặc viêm phổi.
  • Thận: lupus hủy hoại cầu thận bởi những phản ứng viêm cầu thận và chuyển sang suy thận.
  • Hệ thần kinh: người bệnh sẽ bị co giật, rối loạn tâm thần.
  • Hệ tạo máu: lupus ban đỏ gây ra chứng thiếu máu và xuất huyết. Tình trạng thiếu máu kéo dài làm suy giảm khả năng hoạt động của hệ cơ quan. Song song đó, xuất huyết làm nghiêm trọng thêm tình trạng thiếu máu và đe dọa đến tính mạng nếu có xuất huyết não hoặc chèn ép não.
Biến chứng của bệnh lupus ban đỏ hệ thống
Lupus gây ra biến chứng nguy hiểm cho cơ thể

Ngoài ra, người bệnh còn gặp những biến chứng khác gây ra bởi thuốc ức chế miễn dịch. Khả năng miễn dịch bị suy giảm, cơ thể dễ bị lây nhiễm mà không có khả năng kháng cự. Nếu nhiễm trùng diễn biến nhanh dễ gây ra khuẩn huyết khiến bệnh nhân dễ sốc và bị tử vong.

5. Làm thế nào để phòng ngừa các biến chứng của Lupus ban đỏ?

Một vài gợi ý sau đây sẽ giúp các bạn hạn chế được nguy cơ mắc bệnh:

  • Xây dựng chế độ nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đủ giấc.
  • Cẩn thận khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Các tia cực tím trong ánh nắng sẽ gây ra những đợt phát ban, cần bảo vệ bằng cách đội nón, mặc áo dài tay và quần dài. Đừng quên bôi kem chống nắng khi ra ngoài.
phòng ngừa các biến chứng của Lupus ban đỏ
Bảo vệ da dưới tác động của ánh mặt trời giúp phòng ngừa lupus
  • Không hút thuốc bởi thuốc lá làm trầm trọng thêm biến chứng của lupus lên hệ tim mạch.
  • Tập luyện đều đặn giúp cơ thể hồi phục sau các đợt phát ban.
  • Xây dựng chế độ ăn lành mạnh, bổ sung nhiều trái cây, rau củ quả, hạt.
  • Sử dụng các loại thuốc: dầu cá, vitamin D, calcium, thuốc chống viêm không chứa steroid,…
  • Thăm khám đều đặn với bác sĩ để đề phòng tái phát, giúp giải quyết những vấn đề về tâm lý,…

6. Bệnh lupus ban hệ thống có điều trị được không?

Thực tế, ngay cả khi không ở giai đoạn cuối, bệnh lupus ban đỏ cũng không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Các giải pháp điều trị hiện nay chủ yếu tập trung vào:

  • Cải thiện các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải
  • Hạn chế bệnh tiến triển
  • Ngăn chặn các đợt cấp của bệnh
  • Giảm thiểu thương tổn khớp cũng như các cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể

Tùy thuộc vào bệnh trạng cũng như cơ địa mà mỗi bệnh nhân sẽ có phác đồ điều trị riêng. Mặc dù vậy, người bị lupus ban đỏ có thể kiểm soát bệnh hiệu quả bằng thuốc kê toa.

Bệnh lupus ban hệ thống có điều trị được không

6.1. Các loại thuốc điều trị lupus ban đỏ hệ thống

Phần lớn trường hợp, bệnh nhân lựa chọn giải pháp điều trị này sẽ được bác sĩ kê toa những loại thuốc sau:

Nhóm thuốc giảm đau kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs)

NSAIDs là một trong các nhóm thuốc chống viêm, giảm đau thường dùng cho nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm cả lupus ban đỏ. Các thuốc NSAIDs điển hình có thể kể đến như ibuprofen, naproxen… với hiệu quả giảm sưng đau ở cơ, khớp nhanh chóng.

Mặc dù thuốc NSAIDs được đánh giá cao về khả năng cải thiện triệu chứng lupus ban đỏ nhưng người bệnh không nên quá phụ thuộc vào chúng. Thay vào đó, hãy đảm bảo dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để tối ưu hoá hiệu quả giảm đau kháng viêm, đồng thời giảm thiểu nguy cơ phát sinh biến cố ảnh hưởng đến dạ dày, thận… do tác dụng phụ của thuốc.

Thuốc corticosteroid (corticoid)

Trong phác đồ điều trị lupus ban đỏ, corticosteroid có thể được dùng dưới dạng đường uống, tiêm hoặc kem bôi ngoài da. Thuốc có khả năng giảm đau và sưng viêm mạnh, khi dùng với liều cao có thể ức chế hệ miễn dịch.

Tuy vậy, corticoid nên được sử dụng trong thời gian ngắn do thuốc có thể gây tổn thương nhiều cơ quan, bộ phận trong cơ thể, đồng thời khiến bệnh nhân phụ thuộc vào thuốc nếu được sử dụng lâu ngày. Do đó, khi các triệu chứng có xu hướng thuyên giảm, bác sĩ sẽ bắt đầu giảm liều từ từ cho đến khi người bị lupus ban đỏ không cần dùng corticosteroid nữa.

Bệnh lupus ban hệ thống có điều trị được không

Thuốc trị sốt rét

Hiện nay, các loại thuốc chống sốt rét như hydroxychloroquine và chloroquine phosphate đã được chứng minh về tác dụng chữa đau khớp, ban ngoài da và viêm màng phổi. Trong phác đồ điều trị lupus ban đỏ hệ thống, thuốc trị sốt rét còn hỗ trợ ngăn chặn các đợt cấp của bệnh, đồng thời cải thiện tiên lượng sống của bệnh nhân, thuốc có thể dùng ở giai đoạn sau của Lupus ban đỏ.

Thuốc ức chế miễn dịch

Nhóm thuốc này được dùng cho một số trường hợp nghiêm trọng, ví dụ như:

  • Bệnh lupus ban đỏ được chẩn đoán ở giai đoạn cuối
  • Người bệnh có biểu hiện viêm cầu thận cấp nặng, thương tổn thần kinh, thiếu máu huyết tán…
  • Bệnh nhân không đáp ứng tốt hoặc có dấu hiệu gặp tác dụng phụ của thuốc corticosteroid

Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch có thể gây suy yếu “lớp phòng vệ” của cơ thể, từ đó làm tăng nguy cơ phát sinh các vấn đề liên quan đến nhiễm trùng. Vì vậy, người bệnh cần đảm bảo tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ và lập tức đến bệnh viện ngay khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào để được thăm khám và kịp thời có biện pháp can thiệp phù hợp.

Các loại thuốc khác dùng trong điều trị lupus ban đỏ hệ thống

Ở giai đoạn cuối của bệnh, người bị lupus ban đỏ có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng khác nhau. Do đó, bên cạnh việc điều trị lupus, bệnh nhân còn cần có biện pháp xử trí những vấn đề sức khoẻ này.

Tuỳ vào biến chứng phát sinh mà bác sĩ sẽ cân nhắc và kê toa những loại thuốc điều trị phù hợp, ví dụ như thuốc chống đông máu (warfarin, heparin…) có thể được chỉ định cho những người có nguy cơ cao hình thành huyết khối trong mạch máu, gây nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

6.2. Một số lưu ý khi điều trị lupus ban đỏ bằng thuốc

Để tối ưu hoá hiệu quả sử dụng thuốc chữa bệnh lupus ban đỏ hệ thống cũng như đảm bảo an toàn cho người dùng, hãy tham vấn cùng bác sĩ về những vấn đề dưới đây ngay từ đầu:

  • Các tác dụng phụ của thuốc được kê toa
  • Kế hoạch có con trong thời gian sắp tới
  • Những loại thuốc, vitamin hoặc chất bổ sung đang sử dụng

Ngoài ra, hãy mau chóng đến bệnh viện khi các triệu chứng không có dấu hiệu cải thiện sau một thời gian dùng thuốc hoặc cơ thể phát sinh thêm triệu chứng mới.

Lối sống giúp điều trị bệnh lupus ban đỏ

Vì lupus ban đỏ hệ thống không thể chữa khỏi hoàn toàn nên việc xây dựng lối sinh hoạt lành mạnh để “sống chung với bệnh” là điều cần thiết. Lúc này, bệnh nhân không chỉ cần nâng cao sức khỏe thể chất mà còn cần chăm sóc sức khỏe tinh thần.

Cải thiện sức khỏe tinh thần cho người bị lupus ban đỏ

Đôi khi, lupus ban đỏ có thể kéo theo những cảm xúc tiêu cực xảy ra, đặc biệt khi bệnh tiến vào giai đoạn cuối hoặc gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến công việc hay sinh hoạt thường ngày. Bên cạnh đó, một số người bệnh cũng có thể cảm thấy khó khăn trong việc chia sẻ tình trạng của mình với người khác, từ đó dẫn đến tâm trạng phiền muộn, không muốn mở lòng với người ngoài. Để khắc phục tình trạng này, các bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân nên:

  • Dành thời gian cho bản thân để làm những điều mình thích, đồng thời thả lỏng và thư giãn tinh thần.
  • Điều chỉnh công việc phù hợp. Thực tế, bệnh nhân lupus ban đỏ vẫn có đủ khả năng làm việc như bao người khác. Tuy nhiên, một vài điều chỉnh nhỏ, ví dụ như thời gian biểu, góc làm việc… sẽ cần thiết để phù hợp với tình trạng sức khoẻ hiện tại của họ.
  • Kiểm soát tốt căng thẳng. Nhiều chuyên gia đánh giá căng thẳng chính là một trong những yếu tố kích thích đợt cấp của bệnh lupus ban đỏ xảy ra. Ngoài ra, tâm trạng căng thẳng cũng có khả năng góp phần làm các triệu chứng đau nhức khó chịu trở nên tệ hơn. Do đó, kiểm soát và hạn chế căng thẳng tối đa là điều thiết yếu đối với những người không may mắc phải căn bệnh mô liên kết này.

Biến chứng của bệnh lupus ban đỏ

Nâng cao sức khỏe thể chất

Để đối phó với những triệu chứng lupus ban đỏ dai dẳng khó chịu, một lối sinh hoạt với các thói quen tốt như sau có thể giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn. Chúng bao gồm:

Ăn uống khoa học, lành mạnh

Thực tế, có rất ít bằng chứng cho thấy nguyên nhân bùng phát các đợt lupus ban đỏ cấp đến từ một loại thực phẩm cụ thể.

Do đó, thay vì cứng nhắc trong việc loại bỏ hoàn toàn hoặc tăng cường bổ sung bất kỳ thực phẩm nào được xem là “tốt” hoặc “xấu” cho lupus, bệnh nhân cần hiểu được rằng ăn uống một cách điều độ mới là yếu tố then chốt. Ví dụ như, ăn một miếng phô mai giàu chất béo sẽ không kích thích đợt cấp của bệnh phát sinh, nhưng một chế độ ăn nhiều phô mai thì có thể.

Mặt khác, một số biến chứng liên quan đến lupus ban đỏ hệ thống có thể chịu ảnh hưởng bởi thói quen ăn uống. Do đó, tuỳ theo vấn đề sức khỏe của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên điều chỉnh chế độ ăn thường ngày.

Thường xuyên tập thể dục thể thao

Đối với người mắc bệnh lupus ban đỏ, nhất là khi ở giai đoạn cuối, việc tập thể dục thể thao không chỉ giúp nâng cao sức khỏe tổng thể mà còn đem lại nhiều lợi ích như:

  • Duy trì chức năng vận động của khớp
  • Cải thiện tính linh hoạt của khớp và cơ bị ảnh hưởng bởi bệnh
  • Giảm thiểu căng thẳng, một trong những nguyên nhân kích thích đợt cấp của lupus ban đỏ xảy ra

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần cân nhắc tránh tập những bài tập gây thêm áp lực cho khớp, tốt nhất hãy tham vấn ý kiến bác sĩ về những bài tập phù hợp. Người bệnh nên xen kẽ việc luyện tập và nghỉ ngơi hợp lý, đồng thời sử dụng thiết bị hỗ trợ nếu cần thiết.

Biến chứng của bệnh lupus ban đỏ

7. Cách chăm sóc bệnh nhân lupus ban đỏ giai đoạn cuối

Điều trị lupus ban đỏ hệ thống là một quá trình dài lâu. Lúc này, nhiều bệnh nhân cần đến sự quan tâm, chăm sóc từ các thành viên trong gia đình. Vì vậy, nếu có người thân bị lupus ban đỏ, đặc biệt nếu bệnh đã tiến đến giai đoạn cuối, hãy:

  • Nhắc nhở người bệnh ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên và nghỉ ngơi đầy đủ
  • Áp dụng quy tắc ăn chín uống sôi đối với bệnh nhân, rửa sạch trái cây và rau củ quả trước khi ăn và tránh ăn trứng sống hoặc trứng còn lòng đào
  • Hạn chế để người bệnh tiếp xúc với thú cưng để phòng ngừa nhiễm trùng vì lúc này hệ miễn dịch của họ không tốt, dễ bị vi sinh vật gây bệnh tấn công
  • Nhận biết các dấu hiệu bùng phát đợt cấp của bệnh để có biện pháp can thiệp kịp thời
  • Giúp bệnh nhân bỏ thuốc lá (nếu họ có thói quen này)
  • Cẩn thận khi chọn dùng các sản phẩm chăm sóc da cho bệnh nhân
  • Nhắc nhở người bệnh uống hoặc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Như vậy, lupus ban đỏ là bệnh không thể điều trị dứt điểm mà chỉ có thể kiểm soát bệnh không biến chứng nguy hiểm. Vì vậy chúng ta hãy xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình.

Nguồn tham khảo: 

  • https://medlatec.vn/tin-tuc/lupus-ban-do-va-nhung-bien-chung-nguy-hiem-ban-can-biet-s195-n17896
  • https://tamanhhospital.vn/benh-lupus-ban-do-giai-doan-cuoi/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *