Có rất nhiều câu hỏi liệu tập yoga có lợi hay có hại cho lưng? Thực tế cho thấy khi chúng ta tập yoga đúng cách thì có thể ngừa các chứng đau lưng và bệnh về đĩa đệm. Ngược lại, tập sai tư thế hoặc tập yoga khi đang bị đau thì sẽ làm bệnh trầm trọng thêm. Hãy cùng Sống Khỏe Mỗi Ngày tìm hiểu các bài tập Yoga cho người thoát vị đĩa đệm nhé.
1. Tập yoga khi bị thoát vị đĩa đệm
Yoga được biết đến như một môn thể dục toàn diện có thể hỗ trợ tốt cho việc điều trị thoát vị đĩa đệm. Tác dụng của yoga rất hiệu quả trong việc kéo giãn cột sống, tăng độ chắc khỏe của cơ, giúp xương khớp hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả các bài tập và động tác nào cũng phù hợp cho bệnh nhân bị các bệnh cột sống.
Vì vậy, trước khi bắt đầu luyện tập cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa nhằm tránh các chấn thương đáng tiếc hoặc thậm chí làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
2. Các bài tập yoga cho người thoát vị đĩa đệm có thể thực hiện
2.1. Bài tập yoga tư thế “rắn hổ mang”
Tác dụng: Bài tập này có thể tạo ra lực tác động sâu vào vùng thắt lưng và dây thần kinh thị giác, giúp điều hòa thần kinh và cột sống, kéo giãn dây chằng và làm cho đôi mắt sáng hơn.
Cách thực hiện:
Bệnh nhân nằm sấp với 2 tay chống xuống sàn, đẩy người lên cao, tạo thành tư thế rắn hổ mang ngóc đầu. Bàn chân duỗi căng hết sức, chân duỗi thẳng. Bạn giữ nguyên tư thế trong khoảng 20 giây rồi trở về tư thế cũ, tiếp tục thực hiện vài lần. Trong quá trình tập, kết hợp hít vào, thở ra đều đặn để đạt hiệu quả tốt nhất.
Những lỗi sai phổ biến nhất mà người tập hay mắc phải:
- Trong tư thế ngẩng đầu cao như rắn hổ mang, thay vì nhìn lên, người tập đôi khi lại ngửa hẳn đầu ra sau, gây áp lực lên động mạch của đốt sống, ảnh hưởng đến lưu lượng máu lên não. Vì vậy, với tư thế này, người tập nên giữ cho đầu vẫn trên cùng đường với cột sống, nâng xương ức song song với mặt đất.
- Người tập do thói quen thường nhún vai về gần tai, tư thế này sẽ dẫn đến áp lực lên cổ, vai và khớp vai. Do đó, khi tập, bạn nên thư giãn cơ vai, duỗi thẳng cánh tay và đẩy vai xuống.
2.2. Tư thế đá chân thẳng góc
Tác dụng: Tuy là tư thế đơn giản nhưng lại có thể tác động vào cột sống thắt lưng từ L1-L5, giúp kéo dãn dây thần kinh tọa, rất hiệu quả trong điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống lưng.
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng lưng.
- Hít vào, đá chân lên sang phải vuông góc với người, giữ người thăng bằng, không xê dịch.
- Thở ra, hạ chân xuống. Sau đó đổi chân và luân phiên làm 10 lần.
2.3. Tư thế duỗi mình
Tác dụng: Kéo giãn cột sống và vai, hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm.
Cách thực hiện:
Với tư thế quỳ gối, bạn bắt đầu hít vào đưa tay lên, thở ra hạ người xuống sàn, trườn lên trước đề ngực chạm sàn, hai tay duỗi thẳng về trước, sau đó giữ tư thế trong 20 giây.
2.4. Tư thế cây cầu
Tác dụng: Làm tăng sức mạnh của cơ lưng, giúp giảm đau lưng đáng kể, đồng thời xoa dịu căng thẳng ở ngực và vai.
Cách thực hiện:
- Nằm ngửa, hai cánh tay dọc theo thân người, lòng bàn tay úp xuống, hai đầu gối co lên, hai chân cách nhau một khoảng bằng hông.
- Hít sâu, nâng hông lên khỏi sàn, cao hết mức có thể.
- Thở ra, hạ lưng và hông xuống.
- Lặp lại động tác khoảng 6 – 8 lần.
3. Những lưu ý khi bệnh nhân thoát vị đĩa đệm luyện tập yoga
- Khởi động khoảng 10 – 15 phút trước khi tập để làm ấm cơ thể, giúp các cơ giãn ra.
- Đối với người mới tập chỉ nên thực hiện động tác từ từ, không quá sức.
- Nên tập yoga với không gian rộng rãi, thoáng mát, khuyến khích tập cùng thảm.
- Trang phục tập luyện tiện dụng, không quá chật hoặc gò bó, đảm bảo thoải mái khi thực hiện mọi động tác.
- Thời điểm tốt nhất để tập yoga là vào buổi sáng sớm hoặc buổi chiều.
- Trong quá trình tập nên điều hòa và ổn định hơi thở, hít thở chậm, đều và sâu.
- Duy trì lịch tập đều đặn, 3 – 4 buổi/tuần là hợp lý.
Trường hợp gặp các triệu chứng đau cột sống, nhịp tim không đều, chóng mặt hoặc thở dốc thì cần ngưng tập ngay. Khi đó, người bệnh cần chủ động theo dõi sức khỏe và nên gặp bác sĩ ngay để có sự tư vấn cụ thể.
Bài viết liên quan: