Tiêm dịch nhờn vào khớp gối là thủ thuật đơn giản, hiệu quả cao trong điều trị một số bệnh lý khớp gối. Tuy nhiên, người bệnh có thể đối mặt với một số biến chứng khi khi thủ thuật không được thực hiện đúng cách. Hãy cùng Sống Khỏe Mỗi Ngày tìm hiểu bài viết sau đây nhé:
1. Tiêm dịch nhờn vào khớp gối là gì?
Tiêm dịch nhờn vào khớp gối là thủ thuật tiêm acid hyaluronic giúp tăng trọng lượng và nồng độ phân tử của acid hyaluronic nội sinh. Qua đó, các cơn đau nhức sẽ cải thiện và chức năng khớp dần được phục hồi. Tác dụng thuốc có khả năng kéo dài vài tháng.
Khớp gối được coi là bình thường và khỏe mạnh chứa khoảng 2ml dịch khớp. Acid hyaluronic là một thành phần trong dịch khớp, có hàm lượng khoảng 2,5 – 4mg/ml, giúp bôi trơn các mô mềm, bao phủ bên trên lớp bề mặt sụn khớp và được tổng hợp bởi tế bào sụn.
Acid hyaluronic có tính nhớt và đàn hồi tùy theo lực tác động. Khi tác động một lực lớn, nó có tính đàn hồi, trong khi tác động lực nhẹ thì tương tự dầu bôi trơn, bảo vệ khớp. Khi khớp thoái hóa, lượng acid hyaluronic trong dịch khớp sẽ dần suy giảm.
Với các trường hợp thoái hóa khớp gối, lượng acid hyaluronic chỉ còn ½ tới ⅔ so với khớp gối khỏe mạnh. Điều này sẽ dẫn tới tình trạng dịch khớp giảm độ nhớt, mất khả năng bảo vệ sụn khớp, tiến triển hủy hoại khớp.
2. Những lợi ích khi tiêm dịch nhờn vào khớp gối
- Tiêm hyaluronic vào khớp sẽ giúp ức chế cảm nhận đau, qua đó làm giảm đau.
- Ngăn sinh tổng hợp PGE2, ngăn chặn tác dụng của cytokine, kháng viêm tốt.
- Tăng hoạt tính men TIMP giúp ức chế sự thoái hóa của sụn khớp. Đồng thời, tiêm hyaluronic còn có tác dụng kết nối những proteoglycan và giúp tăng sinh tổng hợp tế bào sụn khớp.
- Acid hyaluronic lưu trong khớp chỉ khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, nó có thể duy trì tác dụng lên tới 6 tháng. Vì acid hyaluronic có khả năng kích thích sản xuất acid hyaluronic nội sinh nên có hiệu quả tốt hơn so với thuốc tiêm nội khớp corticoid.
3. Tiêm dịch nhờn vào khớp gối có tốt không? Có an toàn không?
Tiêm dịch nhờn hyaluronic vào khớp gối là phương pháp khá an toàn. Rất ít trường hợp gây phản ứng viêm tại chỗ, đau tại vị trí tiêm, đau khớp háng, cơ và cảm thấy mệt mỏi. Các phản ứng thường biến mất nhanh chóng sau 2 – 3 ngày, xuất hiện phổ biến ở lần đầu tiêm. Ngoài ra một số ưu điểm có thể kể đến của phương pháp này là:
- Giảm đau tốt.
- Hiệu quả kéo dài, có thể lên tới 6 tháng.
Tuy nhiên, tương tự các phương pháp điều trị, tiêm dịch nhờn vào khớp gối cũng có một số khuyết điểm như:
- Không phải trường hợp nào cũng đều đáp ứng tốt với thủ thuật này.
- Thủ thuật chỉ áp dụng cho người bệnh thoái hóa khớp gối ở giai đoạn trung bình tới nặng vừa, không đáp ứng với những phương pháp điều trị trước đó như dùng thuốc hoặc chưa thể tiến hành phẫu thuật thay khớp gối.
- Chi phí tốn kém.
- Hiệu quả điều trị chỉ phát huy khi tiêm đủ liều.
- Không điều trị tận gốc bệnh.
4. Chỉ định tiêm dịch nhờn khi nào?
Các trường hợp thường được chỉ định tiêm dịch nhờn vào khớp gối gồm:
- Thoái hóa khớp gối ở mức độ trung bình tới nặng vừa.
- Áp dụng cho các trường hợp thoái hóa khớp gối đã áp dụng những phương pháp điều trị thông thường khác nhưng không đáp ứng tốt.
- Trường hợp chưa thể tiến hành thay khớp gối.
Một liệu trình tiêm dịch nhờn vào khớp gối thường kéo dài 5 tuần liền. Mỗi tuần tiêm 1 lần. Khi tiến hành điều trị khớp gối bằng chất nhờn acid hyaluronic, cần đảm bảo đã hút dịch gối và vô khuẩn. Sau tiêm nội khớp, khoảng 3 tuần người bệnh sẽ thấy hiệu quả.
Hiện đã có thêm chất nhờn thế hệ mới. Mỗi năm chỉ cần tiêm 1 lần, với công thức cô đặc dịch nhờn tiêm vào. Điều này giúp người bệnh tiết kiệm thời gian đến bệnh viện, đồng thời có thể giảm thiểu biến chứng mỗi lần tiêm.
5. Chống chỉ định trong trường hợp nào?
Tiêm dịch nhờn vào khớp gối chống chỉ định trong một số trường hợp như:
- Cơ địa dễ dị ứng hoặc dị ứng với thành phần của thuốc acid hyaluronic.
- Gặp những vấn đề rối loạn hoặc một số bệnh lý khác.
- Người đang mang thai, cho con bú chỉ được thực hiện khi có chỉ định từ bác sĩ.
6. Các loại thuốc được tiêm vào khớp gối hiện nay
6.1. Tiêm acid hyaluronic (HA)
Bác sĩ thường chỉ định tiêm acid hyaluronic vào khớp gối để tăng lượng chất nhờn này nhằm cải thiện các triệu chứng đau nhức. Một số trường hợp thường được chỉ định thực hiện thủ thuật này như:
- Đau nhức không cải thiện sau khi sử dụng thuốc giảm đau, chườm ấm, chườm lạnh…
- Người bệnh không thể sử dụng thuốc giảm đau như advil hay motrin (ibuprofen), aleve (naproxen sodium) hay tylenol (acetaminophen).
- Lo sợ tác dụng phụ của thuốc tiêm corticoid.
6.2. Tiêm collagen
Collagen là một trong các thành phần nền ngoại bào của sụn. Những loại collagen 1, 2, 3, 4 chiếm tới 90% tổng sợi collagen sụn khớp. Chúng có vai trò quan trọng trong quá trình nuôi dưỡng, đảm bảo độ dẻo dai, vững chắc của sụn khớp và bảo vệ xương dưới sụn. Ngoài ra, collagen còn là chất trung gian kích thích sản xuất chất giảm đau, giảm sưng, giúp tái tạo tế bào sụn, ngăn chặn sự mài mòn và biến dạng khớp.
Liệu pháp tiêm collagen vào khớp rất hiệu quả trong điều trị những bệnh lý viêm màng hoạt dịch đầu gối không đặc hiệu, viêm khớp dạng thấp, các căn bệnh cột sống thể huyết thanh âm tính. Đối với người bệnh viêm khớp, tiêm collagen được chỉ định khi không đáp ứng tốt những phương pháp điều trị nội khoa. Ngoài ra, thủ thuật này còn có thể được áp dụng cho những trường hợp sau phẫu thuật một tháng nhằm cung cấp dưỡng chất cho khớp, hỗ trợ thúc đẩy tốc độ tái tạo sụn khớp, rút ngắn quá trình hồi phục những mô tổn thương và điều chỉnh đáp ứng miễn dịch để ngăn ngừa sự phá hủy những sợi collagen khác của sụn.
6.3. Tiêm PRP
Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là chế phẩm máu với hàm lượng tiểu cầu cao gấp 2 – 8 lần so với bình thường. Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu vào khớp gối thoái hóa sẽ giúp kích thích quá trình chữa lành tổn thương, thuyên giảm triệu chứng viêm, từ đó giúp giảm đau và phục hồi chức năng của khớp gối. Những trường hợp được chỉ định tiêm PRP gồm:
- Viêm xương khớp ở giai đoạn sớm, viêm mỏm lồi cầu.
- Bệnh lý chóp xoay như viêm/rách chóp xoay.
- Viêm cân gan chân.
- Viêm điểm bám gân ở vùng khuỷu, cổ tay, gối.
- Viêm gân hay những bệnh lý ở gân khác.
- Chấn thương dây chằng chéo đầu gối hoặc rách sụn chêm.
- Thoái hóa khớp
7. Quy trình tiêm dịch nhờn vào khớp gối
7.1. Chuẩn bị
Kiểm tra hồ sơ hoặc đơn thuốc có chỉ định và vị trí tiêm.
Giải thích rõ cho người bệnh về mục đích và tai biến của thủ thuật tiêm dịch nhờn vào khớp gối.
7.2. Tiến hành
- Tư thế người bệnh: Ngồi trên giường, tựa lưng vào tường, đầu gối gấp 90°.
- Y tá:
- Thuốc tiêm gồm hydrocortison acetat (nồng độ 1ml = 25mg), depo – medrol (methyl prednisolon acetat, nồng độ 1ml = 40mg) hoặc diprospan (1ml = 5mg betamethasone dipropionate + 2mg betamethasone sodium phosphate).
- Sát trùng vị trí tiêm, trải săng.
- Sau tiêm, băng chỗ tiêm. Hướng dẫn người bệnh giữ sạch, tránh để ướt vị trí tiêm trong khoảng 24 giờ. Sau 24 giờ, bỏ băng dính, nhẹ nhàng vệ sinh chỗ tiêm bằng nước sạch. Dặn người bệnh tái khám khi có chảy dịch hoặc viêm tấy tại vị trí tiêm, sốt.
- Bác sĩ:
- Sát trùng tay rồi đi găng vô khuẩn, xác định vị trí tiêm.
- Tiêm dịch nhờn vào khớp gối: Đưa kim vào khớp gối sao cho vuông góc với mặt da, ngay cạnh gân bánh chè. Mũi kim sẽ hướng về phía khuyết gian lồi cầu của xương chày.
7.3. Theo dõi biến chứng và chăm sóc sau tiêm
Sau tiêm, bác sĩ cần theo dõi chỉ số mạch, huyết áp, tình trạng chảy máu tại chỗ, viêm trong khoảng 24 giờ của người bệnh. Các biến chứng có thể xuất hiện sau tiêm dịch nhờn vào khớp gối như:
- Đau tăng trong 12 – 24 giờ sau tiêm: Do phản ứng viêm màng hoạt dịch với tinh thể thuốc (viêm khớp tinh thể). Biến chứng này thường khỏi sau 1 ngày. Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng thêm thuốc chống viêm, giảm đau.
- Nhiễm khuẩn (viêm mủ): Người bệnh sẽ bị sốt, sưng đau, tràn dịch chỗ tiêm. Bác sĩ thường chỉ định điều trị kháng sinh.
- Teo da, mất sắc tố da ở chỗ tiêm nhiều lần cùng một vị trí hay tiêm quá nông. Đây là những biến chứng muộn có thể xảy ra khi tiêm dịch nhờn vào khớp gối. Hướng xử trí: Không để thuốc trào khỏi vị trí tiêm. Nếu xảy ra tai biến, không cần xử trí nhưng cần báo trước cho người bệnh để tránh hoang mang.
- Biến chứng hiếm gặp: Tai biến do người bệnh sợ hãi – biểu hiện kích thích hệ phó giao cảm, do tiêm thuốc vào mạch máu hoặc tiêm quá nhanh. Người bệnh bị vã mồ hôi, choáng váng, ho khàn, khó thở, tức ngực, rối loạn cơ tròn… Hướng xử trí: Đặt người bệnh nằm thấp, nâng cao chân, theo dõi mạch và huyết áp, qua đó có hướng xử trí cấp cứu khi cần thiết.
8. Một số lưu ý khi thực hiện
Khi tiêm chất nhờn và khớp gối, người bệnh cần lưu ý:
- Chỉ tiêm khớp gối khi không đáp ứng tốt với các phương pháp nội khoa khác hay điều trị kèm những phương pháp khác.
- Thủ thuật yêu cầu thao tác đảm bảo vô trùng, được thực hiện bởi đội ngũ y tế đúng chuyên ngành.
- Không tự ý sử dụng các loại thuốc tiêm khớp để tiêm vào khớp gối.
- Cần trao đổi thành phần thuốc với bác sĩ trước khi tiêm để tránh mẫn cảm hay dị ứng sau tiêm.
- Sau tiêm, nếu phát hiện bất kỳ bất thường nào, cần báo ngay với bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
Tiêm dịch nhờn vào khớp gối là thủ thuật đơn giản, hiệu quả cao với người mắc các bệnh lý khớp gối. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ kiến thức và kỹ năng chuyên môn để thực hiện phương pháp điều trị này. Để tránh rủi ro, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và thực hiện thủ thuật tiêm nội khớp đúng cách.
Bài viết liên quan:
- Người thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không ?
- 12 mẹo chữa tràn dịch khớp gối hiệu quả tại nhà
- Tràn dịch khớp gối có nên xoa bóp không?
- Những dấu hiệu tràn dịch khớp gối không nên bỏ qua
- Chữa tràn dịch khớp gối bằng ngải cứu ngay tại nhà hiệu quả
- Dấu hiệu trật khớp gối và cách điều trị
- Viêm lồi củ trước xương chày có nguy hiểm không & dấu hiệu nhận biết