Biểu hiện thoái hóa đốt sống cổ | Điều trị và phòng ngừa

Biểu hiện thoái hóa đốt sống cổ cần biết để điều trị và phòng tránh

Biểu hiện thoái hóa đốt sống cổ

Thoái hóa đốt sống cổ là một căn bệnh về xương khớp, thường liên quan đến tuổi tác. Tuy nhiên, hiện nay căn bệnh này không chỉ gặp ở những người cao tuổi mà đang có xu hướng trẻ hóa. Giới trẻ và tuổi trung niên đang có tỷ lệ mắc bệnh tăng lên theo thời gian. Vậy làm thế nào để nhận biết sớm biểu hiện thoái hóa đốt sống cổ? Mời bạn đọc cùng Sống Khỏe Mỗi Ngày tìm hiểu qua bài viết này nhé.

1. Thế nào là thoái hóa đốt sống cổ?

Thoái hóa đốt sống cổ là tình trạng bệnh lý liên quan đến sự suy thoái các đốt sống vùng cổ do nhiều nguyên nhân gây nên. Bệnh còn có tên gọi khác là thoái hóa cột sống cổ hay Cervical spondylosis. Bệnh thường gặp nhất ở những người lớn tuổi do sự lão hóa của các xương và sụn vùng đốt sống cổ. Tuy nhiên bệnh cũng có thể xảy ra ở các lứa tuổi khác nếu có xuất hiện nguyên nhân gây nên bệnh. Hiện nay, thoái hóa cột sống cổ đang có xu hướng trẻ hóa do nhiều thói quen của giới trẻ.

Biểu hiện thoái hóa đốt sống cổ
Thoái hóa cột sống cổ là do sự lão hóa các xương và sụn vùng cổ

Thoái hóa đốt sống cổ là một căn bệnh phổ biến, chúng gây nhiều đau đớn và khó chịu cho người bệnh. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh nhân không có triệu chứng gì mà vẫn sinh hoạt như bình thường. Tỷ lệ mắc thoái hóa cột sống cổ ở nam và nữ cùng tuổi tác là ngang nhau.

Bệnh do nhiều nguyên nhân gây nên. Có thể điểm lại một số nguyên nhân dưới đây là nguyên nhân chủ chốt gây ra chứng thoái hóa cột sống cổ ở người:

  • Tuổi tác cao dẫn đến thoái hóa xương và sụn vùng đốt sống cổ.
  • Hoạt động sai tư thế hoặc duy trì một tư thế trong thời gian dài.
  • Ít vận động, đặc biệt là những người ngồi lâu, sử dụng máy tính nhiều (thường gặp ở những người làm văn phòng).
  • Tư thế ngồi không phù hợp cho cổ: ngồi quá thấp hoặc quá cao so với bàn, tư thế đặt tay lên bàn không phù hợp,…
  • Ngủ không đúng tư thế, gối kê quá cao hoặc quá thấp.
  • Chế độ dinh dưỡng thiếu chất, đặc biệt là canxi, magie, các vitamin,…
  • Ngồi lâu, ít vận động là nguyên nhân gây nên thoái hóa cột sống cổ

2. Nhận biết biểu hiện thoái hóa đốt sống cổ

Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng và biểu hiện thoái hóa đốt sống cổ thường không rõ ràng, khó phát hiện nên người bệnh dễ chủ quan và bỏ qua việc thăm khám sớm. Khi bệnh tiến triển nặng, các triệu chứng xuất hiện rõ nét hơn, đồng thời gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt và làm việc của người bệnh.

2.1. Đau vùng cổ, vai gáy

Đây là một trong các biểu hiện thoái hóa đốt sống cổ điển hình. Ban đầu, các cơn nhức mỏi sẽ xuất hiện ở vùng cổ, gáy và lan dần xuống vùng quanh bả vai. Người bệnh có thể bị vẹo cổ hoặc sái cổ không rõ lý do. Khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh sẽ cảm nhận được các cơn đau nhiều hơn, dữ dội hơn do chèn ép dây thần kinh.

2.2. Đau đầu, chóng mặt

Triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ còn biểu hiện ở các cơn đau đầu, chóng mặt, nhức đầu ở vùng chẩm, vùng trán, thái dương. Nguyên nhân là do các dây thần kinh bị chèn ép ảnh hưởng đến sự lưu thông máu lên não. Tình trạng này thường làm người bệnh nhầm tưởng chỉ là bệnh đau đầu hoặc do căng thẳng gây ra. Đặc biệt, một số trường hợp còn gặp hiện tượng đau và khó chịu ở phía sau mắt, ù tai, mờ mắt… khi thoái hóa đốt sống cổ.

2.3. Cứng cổ và khó cử động vùng cổ

Phần lớn người bị thoái hóa đốt sống cổ đều có cảm giác đau mỏi hoặc khó chịu cử động vùng cổ hay thậm chí là khi nghỉ ngơi. Người bệnh thường xuyên bị cứng cổ, vận động cổ bị vướng, nghe tiếng lục cục khi ngửa, xoay, cúi và có thể vẹo cổ trong một số trường hợp hoặc mất từ 5-10 phút mới thay đổi được tư thế cổ. Tình trạng này thường xuất hiện vào buổi sáng khi vừa ngủ dậy, thay đổi thời tiết hoặc thay đổi tư thế đột ngột.

2.4. Dấu hiệu Lhermitte

Dấu hiệu Lhermitte là kết quả của thoái hóa đốt sống cổ đa xương cứng, biểu hiện bằng cảm giác khó chịu như có một luồng điện chạy dọc từ cổ đến xương sống và lan dần xuống các ngón tay và ngón chân. Dấu hiệu Lhermitte biểu hiện rõ ràng nhất khi người bệnh cúi gập cổ về phía trước.

3. Thoái hóa đốt sống cổ có nguy hiểm không?

Thoái hóa đốt sống cổ ban đầu có thể chỉ xuất hiện những cơn đau nhẹ và không thường xuyên nên dễ làm người bệnh lơ là, chủ quan. Nếu bệnh không được phát hiện sớm và chữa trị đúng cách thì có thể dẫn đến những biến chứng:

  • Vận động khó khăn: Bệnh thoái hóa đốt sống cổ sẽ khiến các khớp và cột sống bị viêm sưng, biến dạng, gây ra cơn đau nhức vùng cổ, giảm khả năng linh hoạt trong vận động. Đồng thời, người bệnh còn phải đối mặt với nguy cơ mắc phải các hội chứng thần kinh như đau dây thần kinh chẩm, vai, gáy…
  • Rối loạn tuần hoàn não: Thoái hóa đốt sống cổ nếu để lâu không điều trị sẽ tác động nghiêm trọng đến khả năng cung cấp máu lên não, khiến người bệnh bị chóng mặt, ù tai, đau đầu, mờ mắt… ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, làm giảm tuổi thọ đáng kể.
  • Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ: Các dây thần kinh bị chèn ép lâu ngày có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ. Khi đó, người bệnh có khả năng bị rối loạn cảm giác và gặp nhiều khó khăn hơn trong việc điều trị.
  • Hẹp ống sống: Cột sống cổ xuất hiện gai xương, thu hẹp không gian tủy sống và gây nên chứng hẹp ống sống. Người bệnh lúc này sẽ cảm thấy tê bì, yếu cơ ở các chi và cơ thể.
  • Hội chứng cổ – tim: Đốt sống cổ bị thoái hóa dễ bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu, làm chèn ép dây thần kinh chi phối đến tim, dẫn đến đau tim, rối loạn nhịp tim.
  • Hội chứng tăng – giảm huyết áp: Thoái hóa đốt sống cổ có thể tác động đến việc tăng hoặc giảm huyết áp, tuy nhiên chủ yếu là tăng huyết áp.
  • Bại liệt: Thoái hóa đốt sống cổ có thể khiến cơ bị teo, dẫn đến bại liệt một hoặc cả hai cánh tay. Đồng thời người bệnh còn có khả năng bị rối loạn cảm giác tứ chi và thần kinh thực vật do các dây thần kinh bị chèn ép.
Biểu hiện thoái hóa đốt sống cổ
Biểu hiện thoái hóa đốt sống cổ nếu không điều trị sớm sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Xem thêm: Dấu hiệu Thoái hóa khớp – Nguyên nhân & cách điều trị

4. Phương pháp chẩn đoán phát hiện thoái hóa đốt sống cổ

Việc chẩn đoán bệnh thoái hóa đốt sống cổ có thể được thực hiện thông qua khám lâm sàng. Bác sĩ có thể hỏi về những triệu chứng của người bệnh kết hợp với khám chức năng phản xạ của các vùng lân cận để biết được tình trạng bệnh. Tuy nhiên để có một kết quả chẩn đoán chính xác, bệnh nhân cần được chỉ định thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ.

Các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ bao gồm:

  • Chụp X – quang cột sống cổ: chụp X – quang có thể thấy được sự xuất hiện của gai xương, cầu xương, và cũng có thể loại trừ những nguyên nhân gây đau cứng cổ như gãy xương, các khối u hoặc tổn thương phần mềm.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): có thể phát hiện các tổn thương rất nhỏ ở các đốt sống vùng cổ.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): có thể xác định vị trí các dây thần kinh bị chèn ép do bệnh lý.
  • Các xét nghiệm kiểm tra chức năng thần kinh:
    • Phương pháp điện cơ (Electromyography): đo giá trị dòng điện trong dây thần kinh khi cơ tay hoạt động và nghỉ ngơi.
    • Nghiên cứu dẫn truyền thần kinh: gắn các điện cực vào vùng da phía trên dây thần kinh, cho một dòng điện nhỏ qua dây thần kinh để đo tốc độ và cường độ của tín hiệu dẫn truyền thần kinh.
Biểu hiện thoái hóa đốt sống cổ
Hình ảnh X – quang của bệnh nhân bị thoái hóa cột sống cổ

5. Phương pháp điều trị

Điều trị thoái hóa đốt sống cổ với mục đích là giúp giảm đau cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân có thể hoạt động bình thường, ngăn ngừa xảy ra những tổn thương cột sống khác và tổn thương thần kinh tủy sống. Điều trị có thể là điều trị nội khoa, phẫu thuật hoặc sử dụng vật lý trị liệu.

5.1. Điều trị nội khoa

  • Sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm không chứa steroid: cần tùy thuộc vào tình trạng bệnh và sức khỏe của bệnh nhân để sử dụng loại thuốc là liều lượng phù hợp.
  • Sử dụng thuốc chứa corticosteroid: có thể uống để giảm đau tạm thời hoặc tiêm nếu cơn đau diễn biến nghiêm trọng.
  • Sử dụng thuốc giãn cơ như cyclobenzaprine có tác dụng giảm đau nhờ làm giảm sự co cơ.
  • Thuốc chống động kinh: gabapentin và pregabapentin giúp làm giảm cơn đau của các dây thần kinh bị tổn thương.

5.2. Vật lý trị liệu

Thực hiện các bài tập cổ sẽ có ích cho các cơ vùng cổ. Các phương pháp kéo dãn, xoa bóp vùng cổ hoặc điện phân dẫn thuốc có tác dụng làm giảm cơn đau.

Biểu hiện thoái hóa đốt sống cổ
Một số bài tập giúp nâng cao sức khỏe các cơ vùng cổ

5.3. Phẫu thuật

Thông thường thoái hóa cột sống cổ rất ít khi phẫu thuật. Trong trường hợp các phương pháp điều trị bào tổn không có tác dụng hoặc bệnh nhân có các triệu chứng thần kinh thì cần được phẫu thuật để bệnh không gây hại đến dây thần kinh và tủy sống.

Xem thêm: Triệu chứng thoái hóa khớp ở các vị trí nên biết để điều trị kịp thời

6. Biện pháp phòng tránh thoái hóa đốt sống cổ

Thoái hóa đốt sống cổ là căn bệnh khó tránh khỏi đối với người già. Tuy nhiên, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa ở tuổi 25-30. Vì vậy, phòng bệnh là cách tốt nhất để không phải đối mặt với các cơn đau hành hạ do thoái hóa đốt sống cổ gây ra.

6.1. Thăm khám khi có biểu hiện thoái hóa đốt sống cổ

Khi gặp tình trạng đau cổ vai gáy thường xuyên, cần liên hệ tới bác sĩ và thăm khám trong thời gian sớm nhất để có hướng khắc phục và chữa trị kịp thời. Tuyệt đối không sử dụng thuốc nếu không có sự cho phép của bác sĩ chuyên khoa.

Biểu hiện thoái hóa đốt sống cổ
Khi gặp những biểu hiện thoái hóa đốt sống cổ cần thăm khám và điều trị sớm.

6.2. Không ngồi lâu một tư thế khi làm việc

Thoái hóa đốt sống cổ thường gặp ở những người ngồi lâu một tư thế, ít vận động như dân văn phòng, lái xe. Để phòng tránh bệnh, khi làm việc cần có thời gian nghỉ giải lao giữa giờ (trung bình khoảng 2h làm việc nên nghỉ 10 – 15 phút) để thay đổi tư thế kết hợp vận động nhẹ nhàng. Khi ngồi làm việc cũng cần điều chỉnh độ cao bàn ghế không ngồi quá cao hoặc quá thấp quá, giữ lưng thẳng.

Ngoài ra, bệnh cũng xuất hiện với những người làm các công việc bê vác nặng có sự tác động vào vùng cổ. Vì vậy, cần phân bổ thời gian nghỉ ngơi hợp lý và và thường xuyên mát xa vùng cổ để giảm đau mỏi. Tuy nhiên, nếu đã bị bệnh hoặc nhận biết được biểu hiện thoái hóa đốt sống cổ rõ ràng thì tuyệt đối không vặn, lắc hay xoay cổ mà cần đi thăm khám và điều trị theo phác đồ của bác sĩ, đặc biệt là khi bệnh đã biến chứng thoát vị đĩa đệm.

Biểu hiện thoái hóa đốt sống cổ
Luyện tập thể dục, thể thao hàng ngày là cách tốt nhất phòng thoái hóa đốt sống cổ.

6.3. Thiết lập chế độ ăn giàu dinh dưỡng

Để phòng bệnh thoái hóa đốt sống cổ, cần thiết lập chế độ ăn uống giàu canxi với các thực phẩm như tôm, cua, ốc, sữa chứa canxi… để tránh loãng xương. Nên ăn nhiều rau và trái cây hàng ngày để bổ sung các loại vi chất cần thiết, đặc biệt vitamin nhóm B để giúp xương chắc khỏe, phòng bệnh xương khớp.

6.4. Giữ thói quen sinh hoạt lành mạnh

Thói quen sinh hoạt thiếu khoa học cũng là yếu tố quan trọng gây ra bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Khi đọc sách, xem điện thoại cần hạn chế cúi gập cổ quá lâu. Khi nằm ngủ, không nên gối đầu quá cao, gối ngủ cần mềm mại và cao mức độ vừa phải. Đặc biệt, thường xuyên thay đổi tư thế, tránh nằm chỉ một hoặc hai tư thế sẽ gây vẹo cổ, thỉnh thoảng chuyển mình để lưu thông máu đồng đều.

Để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, ngay khi phát hiện các biểu hiện thoái hóa đốt sống cổ, người bệnh cần sớm đi thăm khám tại những bệnh viện lớn, có chuyên khoa Cơ xương khớp để các bác sĩ đưa ra phương án điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.

Nguồn tham khảo:

  • https://hongngochospital.vn/trieu-chung-thoai-hoa-dot-song-co/
  • https://acc.vn/nhan-biet-dau-hieu-benh-thoai-hoa-dot-song-co-gay-dau-dau/
  • https://medlatec.vn/tin-tuc/trieu-chung-cua-thoai-hoa-dot-song-co-la-gi-s68-n17844

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *