Viêm quanh khớp vai thể đông cứng cũng là bệnh lý thường gặp, đứng hàng thứ hai sau viêm quanh khớp vai thông thường. Đây là bệnh có đặc trưng lâm sàng là đau và hạn chế vận động khớp vai. Việc điều trị bệnh một cách dứt điểm gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi người bệnh kiên trì. Hãy cùng Sống Khỏe Mỗi Ngày tìm hiểu bài viết sau đây nhé
1. Viêm quanh khớp vai thể đông cứng là gì?
Vai gồm 3 xương tạo thành một khớp chỏm và ổ chảo: Xương cánh tay, xương bả vai và xương đòn. Phần chỏm xương cánh tay khớp với một ổ chảo nông ở xương bả vai. Mô liên kết bao chắc quanh khớp còn gọi là bao khớp vai. Chất hoạt dịch để bôi trơn bao khớp và khớp vai giúp vai di chuyển dễ dàng hơn.
Thể đông đặc khớp vai là do sự dày lên và co cứng của bao khớp vai, là tình trạng đau kèm theo hạn chế vận động khớp vai. Mức độ đau từ nhẹ đến nặng. Theo thời gian, vai trở nên rất khó di chuyển. Sau giai đoạn các triệu chứng xấu đi, đông cứng vai có xu hướng tốt hơn, mặc dù phục hồi hoàn toàn có thể mất đến 3 năm. Vật lý trị liệu, tập trung vào sự linh hoạt của vai là khuyến cáo điều trị chính cho bệnh lý khớp vai này.
Viêm quanh khớp vai thể đông cứng thường ảnh hưởng nhiều nhất đến những người trong độ tuổi từ 40 đến 60 và xảy ra ở phụ nữ thường xuyên hơn nam giới. Ngoài ra, những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc đông cứng vai cao hơn người bình thường.
2. Triệu chứng của viêm quanh khớp vai thể đông cứng
Cơn đau từ viêm quanh khớp thể đông cứng thường âm ỉ hoặc đau nhức. Mức độ đau thường tăng lên trong quá trình của bệnh và khi người bệnh di chuyển cánh tay. Cơn đau thường nằm ở vùng vai ngoài và đôi khi là phần trên cánh tay.
Trong bệnh đông cứng vai, bao khớp vai dày lên và trở nên cứng và căng chặt. Đồng thời, các dải mô liên kết dày lên. Trong nhiều trường hợp, lượng dịch khớp trong khớp cũng ít đi.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh viêm khớp vai thể đông cứng là đau khớp bả vai dữ dội và bệnh nhân không thể tự di chuyển vai hoặc di chuyển với sự giúp đỡ của người khác. Biểu hiện lâm sàng của viêm quanh khớp vai thể đông cứng thường diễn biến qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn đau khớp bả vai: Trong giai đoạn này, người bệnh càng ngày càng đau nhiều hơn. Bệnh nhân bị đau khớp vai với tính chất của đau do viêm. Đau cả khi nghỉ ngơi, đau nhiều về đêm có khi làm bệnh nhân tỉnh giấc. Đau tăng với bất kỳ vận động nào của cánh tay. Ban đầu đau thường nhẹ, tăng dần và dai dẳng trong nhiều tháng. Mức độ đau thường ít trầm trọng so với viêm quanh khớp vai thông thường. Đau tăng dần trong vài tuần hoặc một vài tháng. Khi cơn đau trở nên tồi tệ hơn, tầm vận động khớp vai giảm dần. Bệnh nhân không thể chải đầu hoặc gãi lưng được, đưa tay ra trước ra sau đều bị hạn chế. Giai đoạn này thường kéo dài từ 6 tuần đến 9 tháng.
- Giai đoạn đông cứng: Các triệu chứng đau khớp bả vai có thể thực sự cải thiện trong giai đoạn này, nhưng độ cứng vẫn còn. Trong 4 đến 6 tháng của giai đoạn “đóng băng”, các hoạt động hàng ngày có thể rất khó khăn.
- Giai đoạn tan đông: Chuyển động của vai từ từ cải thiện trong giai đoạn “tan băng”. Tầm hoạt động của khớp vai trở lại bình thường nhưng đau khi vận động còn kéo dài thêm một vài tháng. Giai đoạn này thường mất từ 6 tháng đến 2 năm.
3. Nguyên nhân gây viêm quanh khớp vai thể đông cứng
Nguyên nhân gây viêm quanh khớp vai thể đông cứng hiện chưa được xác định. Tuy nhiên, có vài yếu tố nguy cơ làm gia tăng tình trạng bệnh bao gồm:
- Tuổi và giới tính: Những người từ 40 tuổi trở lên, đặc biệt là phụ nữ, có nhiều khả năng mắc viêm khớp vai thể đông cứng hơn.
- Bệnh tiểu đường: Vai đông cứng xảy ra thường xuyên hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường. Lý do cho điều này chưa được xác định rõ. Ngoài ra, bệnh nhân đái tháo đường với vai đông cứng có xu hướng bị cứng khớp nhiều hơn, tiếp tục trong một thời gian dài hơn trước khi “tan đông”.
- Những căn bệnh khác: Một số bệnh lý khác liên quan đến viêm quanh khớp vai thể đông cứng bao gồm suy giáp, cường giáp, bệnh Parkinson và bệnh tim.
- Bất động khớp vai thời gian dài: Vai đông cứng có thể phát triển sau khi một vai đã bất động trong một thời gian do phẫu thuật, gãy xương hoặc chấn thương khác. Cho bệnh nhân di chuyển vai ngay sau thời gian bị thương hoặc phẫu thuật là một biện pháp được khuyến khích để ngăn ngừa vai bị đông cứng.
- Không rõ yếu tố nguy cơ: Phần lớn bệnh nhân không rõ yếu tố nguy cơ, có thể do rối loạn miễn dịch, hệ miễn dịch của cơ thể tấn công vào bao khớp và màng hoạt dịch khớp vai của chính mình, do yếu tố nội tiết (phụ nữ sau mãn kinh gặp tỉ lệ cao hơn), do rối loạn thần kinh sinh dưỡng vùng khớp vai.
4. Phương pháp chẩn đoán hiện tượng đông cứng khớp vai
Để chẩn đoán bệnh, trước tiên, bác sĩ sẽ thăm khám tổng quát tình trạng vai của bạn. Cụ thể, bác sĩ kiểm tra xem vai bạn đau đến mức nào và mức độ cử động của nó ra sao. Có hai hình thức kiểm tra:
- Mức độ vận động chủ động: bạn tự di chuyển vai mình
- Mức độ vận động thụ động: bác sĩ chuyển động vai của bạn theo mọi hướng
Tùy theo tình hình, bác sĩ sẽ quyết định bạn có cần tiêm thuốc tê vào vai trong lúc thực hiện bài kiểm tra hay không. Đây là loại thuốc làm tê cơn đau, giúp bác sĩ đánh giá tốt hơn phạm vi chuyển động vai chủ động và thụ động của bạn.
Dựa trên kết quả thu được từ bài kiểm tra, bác sĩ sẽ đánh giá xem khả năng vận động vai của bạn có bị hạn chế quá nhiều không, cũng như mức độ cơn đau ra sao trong lúc cử động (cả chủ động và thụ động).
Sau khi khám tổng quát vai, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm hình ảnh nhằm loại trừ các bệnh lý gây đau và cứng vai khác. Những xét nghiệm này thường là:
- Chụp X-quang: cho ra hình ảnh rõ nét về toàn bộ vùng xương khớp ở vai bạn.
- Siêu âm hoặc MRI: cho hình ảnh ở mô mềm, giúp xác định các vấn đề khác trong vai như viêm khớp, rách gân cơ chóp xoay vai…
5. Phương pháp điều trị & phục hồi viêm quanh khớp vai thể đông cứng
Tình trạng viêm khớp vai đông cứng sẽ hồi phục hoàn toàn sau 3 – 4 năm. Trong thời gian này, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp điều trị phù hợp với từng giai đoạn bệnh. Mục tiêu là kiểm soát cơn đau, đồng thời cải thiện khả năng vận động của khớp vai. Các biện pháp chữa trị bao gồm:
- Dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) giúp giảm đau và viêm ở vai. Nếu tình trạng không đỡ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc mạnh hơn.
- Tiêm corticosteroid vào khớp vai để giảm đau và mở rộng phạm vi chuyển động của vai.
- Tiêm dịch làm căng khớp, giúp bạn cử động vai dễ dàng hơn.
- Vật lý trị liệu: Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ thiết lập riêng cho bạn một số bài tập phục hồi chức năng nhằm kiểm soát cơn đau, đồng thời ngăn ngừa sự tiến triển của tình trạng vai đông cứng. Các bài tập này cần được thực hiện đều đặn cho đến khi bệnh hồi phục hoàn toàn.
- Phẫu thuật: Biện pháp này được chỉ định khi tất cả các phương pháp chữa trị trên không hiệu quả với tình trạng của chấn thương. Bệnh nhân sẽ được xem xét để giải phóng mô sẹo bằng một cuộc phẫu thuật nội soi khớp vai. Nhờ đó, các mô sẹo của bao khớp vai được phá vỡ, trả lại cho vai độ linh hoạt và phạm vi cử động như bình thường. Rủi ro có thể gặp phải trong quá trình mổ nội soi, dù rất hiếm gặp, chính là nguy cơ gãy xương cánh tay.
Một lưu ý rất quan trọng đối với bệnh nhân sau khi trải qua cuộc phẫu thuật đông cứng khớp vai, đó là tuân thủ liệu trình phục hồi chức năng vai do các chuyên gia vật lý trị liệu thiết kế. Chỉ khi khớp vai được tập luyện liên tục với các bài tập phù hợp, khả năng vận động của vai mới được tối ưu hóa.
6. Phòng ngừa thể đông cứng khớp vai
Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh là do vai bị bất động. Do đó, nếu bạn gặp phải chấn thương gây khó khăn khi cử động vai, hãy trao đổi với bác sĩ về các bài tập mà bạn có thể thực hiện để duy trì phạm vi chuyển động của khớp vai. Những bài vận động nhẹ nhàng, liên tục, kéo giãn vai sẽ giúp hạn chế tình trạng đông cứng vai sau phẫu thuật hoặc chấn thương.
Đối với những người mắc một số bệnh lý có nguy cơ dẫn tới khớp vai bị đông cứng như: đái tháo đường, tim mạch, tuyến giáp… cần thường xuyên vận động (tối thiểu 30 phút/ngày, 5 buổi/tuần), đặc biệt chú trọng vào bài tập cử động vai để khớp vai duy trì được độ dẻo dai và linh hoạt.
Viêm quanh khớp vai thể đông cứng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra rất nhiều phiền toái trong sinh hoạt hằng ngày. Ở các trường hợp mãn tính, tình trạng đông cứng khớp sẽ khiến cho khớp vai mất đi sự linh hoạt, thậm chí mất khả năng vận động. Nếu có bất kỳ dấu hiệu kể trên nào, bạn hãy đến các cơ quan y tế, bệnh viện gần nhất để kiểm tra.
Nguồn tham khảo:
- https://tamanhhospital.vn/viem-quanh-khop-vai-the-dong-cung/
- https://www.vinmec.com/vi/co-xuong-khop/suc-khoe-thuong-thuc/viem-quanh-khop-vai-dong-cung-gay-dau-nhieu-kho-dieu-tri-dut-diem/
Bài viết liên quan:
- Khớp vai kêu lụp cụp cảnh báo những bệnh nguy hiểm
- Đông cứng khớp vai có nguy hiểm không? Và cách điều trị
- Trật khớp vai – Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và cách phòng tránh
- Viêm gân cơ nhị đầu là gì? Ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe