Bệnh lao xương khớp – Nguyên nhân, triệu chứng & điều trị

Bệnh lao xương khớp

1. Tổng quan Bệnh Lao xương khớp

Bệnh lao xương khớp là một bệnh do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra tại hệ thống xương khớp của cơ thể con người. Bên cạnh lao phổi, lao xương là một trong các bệnh lao ngoài phổi khá phổ biến, xếp sau lao màng phổi và lao bạch huyết.

Ngay từ đầu bệnh nhân sẽ không bị mắc lao xương khớp mà thường bị bệnh sau khi đã bị mắc lao phổi. Vi khuẩn lao qua đường không khí, xâm nhập và gây bệnh tại phổi sau đó đi theo đường máu hay đường bạch huyết đến các cơ quan khác, trong đó nó có thể khu trú ở xương gây nên bệnh lao xương khớp.

Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể mắc lao xương khớp và thường gặp nhất là lứa tuổi từ 20 – 40. Những vị trí như cột sống, hông và gối là những nơi hay bị lao xương nhất. Trong đó hai bộ phận đĩa đệm thắt lưng và thân đốt sống ở cột sống lại là những vị trí dễ bị vi khuẩn lao tấn công và lây bệnh nhất. Các bộ phận khác như đốt sống cổ, xương cùng cũng có thể bị nhiễm lao. Còn xương ức, xương sườn, xương bàn tay, bàn chân, xương đùi, xương chậu,… thì ít bị hơn.

Trong nhiều trường hợp, lao xương khớp không chỉ cố định tại một vị trí mà còn có thể đồng thời xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau, khi đó ta gọi là bị lao xương đa ổ.

Có một điều đáng lưu ý đó là bệnh lao, bao gồm bệnh lao xương khớp có liên quan chặt chẽ với bệnh HIV/AIDS. Vì căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS khiến cho hệ miễn dịch ở người bị suy giảm, đó chính là cơ hội để các loại vi khuẩn, trong đó có vi khuẩn lao tấn công vào cơ thể. Ở những nước mà có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao thì xu hướng bệnh nhân mắc lao cũng tăng lên tại các khu vực này.

Xét về mặt vi thể, có thể chia lao xương thành 2 loại:

  • Loại hoại tử tiết dịch hình thành nên các áp xe lạnh;
  • Loại hoại tử tối thiểu, tăng trưởng nhanh (u lao hạt).

Số liệu về bệnh lao xương khớp:

  • Lao xương khớp chiếm 10% tổng số bệnh lao ngoài phổi tại Hoa Kỳ;
  • Tỷ lệ các vị trí mắc lao xương khớp:
    • Có 60 – 70% trường hợp bị mắc lao cột sống;
    • Có 10 – 15% bệnh nhân bị lao khớp gối;
    • Có 5 – 10% bị lao khớp cổ chân;
    • Có khoảng 5% số người bị lao khớp bàn chân.

2. Nguyên nhân gây Lao xương khớp

Trong mọi bệnh lý về lao, thủ phạm gây bệnh không ai khác chính là trực khuẩn lao có tên khoa học là Mycobacterium tuberculosis. Vi khuẩn lao có thể tồn tại trong môi trường hoặc từ người bệnh phát tán ra ngoài lây nhiễm cho cộng đồng.

Bệnh lao xương khớp
Mycobacterium tuberculosis gây bệnh lao xương khớp

Nếu hệ miễn dịch của cơ thể bị yếu không đủ sức chống lại vi khuẩn lao, khi vào đến phổi chúng sẽ khu trú, sinh sôi nảy nở ở đó. Tệ hơn, vi khuẩn lao sau khi làm tổn thương phổi, chúng có thể di chuyển theo đường máu và bạch huyết, gây bệnh ở những cơ quan khác (xương khớp, não, hệ sinh dục, hệ tiết niệu, mắt, tai, da,…).

Tại các bộ phận thuộc hệ xương khớp, vi khuẩn lao bắt đầu thiết lập “cuộc sống mới”, tạo nên những củ lao. Trung tâm củ lao là vùng hoại tử được bao bọc bởi các biểu mô, tế bào đơn nhân, tế bào khổng lồ. Những nơi chúng ưu tiên xâm lược đầu tiên đó là các xương lớn, xốp, đóng vai trò nâng đỡ trọng lượng cơ thể khiến cho khung nâng đỡ của cơ thể bị tàn phá và tổn thương nghiêm trọng.

3. Triệu chứng Bệnh Lao xương khớp

Ở giai đoạn đầu, bệnh lao xương khớp thường không biểu hiện hoặc có rất ít triệu chứng rõ ràng gây nhiều khó khăn trong việc chẩn đoán bệnh. Chỉ khi đến giai đoạn tiến triển, có các dấu hiệu lâm sàng thì lao xương mới được phát hiện.

Bệnh lao xương khớp
Triệu chứng bệnh lao xương khớp

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh:

  • Người bệnh xuất hiện triệu chứng sốt dai dẳng, có thể từ sốt nhẹ đến sốt vừa, sốt về buổi chiều tối;
  • Người mệt mỏi, xanh xao, biếng ăn, sụt cân, hay bị đổ mồ hôi trộm;
  • Những vị trí xương khớp bị vi khuẩn xâm nhập sẽ có dấu hiệu sưng to, cứng tuy nhiên không đỏ, không nóng, không viêm;
  • Các ổ áp xe hình thành do lao xương thường có mủ bên trong, bị hoại tử bã đậu, viêm tủy xương, thân xương chứa các mảnh xương chết. Khi khám lâm sàng sẽ phát hiện ra nốt bùng nhùng bên cạnh khớp. Nếu ổ áp xe vỡ ra sẽ để lại lỗ dò;
  • Đau xương, cơ thể vận động khó khăn. Tuỳ thuộc vào vị trí bị lao xương mà bệnh nhân sẽ cảm thấy đau ở vị trí đó, ví dụ: nếu bị lao xương háng thì đau háng, không thể co duỗi chân bình thường, lao xương cột sống thì không thể ngửa người ra hoặc cúi người xuống,…;
  • Các biểu hiện khác: gù – vẹo – gấp khúc cột sống, teo các cơ vận động, đi lệch người hoặc tập tễnh, liệt, tàn phế, ổ áp xe chèn ép tủy sống gây rối loạn cơ tròn.

4. Các biến chứng Lao xương khớp

Lao xương là một bệnh lý nguy hiểm, gây nên nhiều hệ luỵ nếu không phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Các biến chứng nghiêm trọng có thể gặp ở người bị lao xương thể nặng đó là:

  • Xương bị biến dạng: Xẹp đốt sống, gù nhọn, gây chèn ép rễ thần kinh và tủy sống;
Bệnh lao xương khớp
Lao xương là một bệnh lý nguy hiểm, gây nên nhiều hệ luỵ nếu không phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời
  • Biến chứng thần kinh: Người bệnh bị liệt 2 chi dưới hoặc cả tứ chi;
  • Tàn phế do phải cắt cụt chi: Khi lao xương ở mức độ nặng, không được chữa trị sớm sẽ gây nên những thương tổn không thể phục hồi, lúc này bệnh nhân buộc phải bị cắt cụt các chi;
  • Bệnh nhân bị lao xương khớp bị hạn chế vận động, cuộc sống sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn;
  • Bệnh nhân bị teo cơ vận động khớp;
  • Áp xe lạnh gây chèn ép tuỷ sống còn dẫn đến liệt cơ tròn;
  • Lao lan rộng: Nếu không được ngăn chặn kịp thời, vi khuẩn lao không chỉ gây nhiễm trùng ở hệ xương khớp mà còn lan sang tấn công các cơ quan khác như mắt, tai, da, màng não, hệ sinh dục, hệ bài tiết,… đe doạ đến tính mạng của người bệnh.

5. Đường lây truyền Lao xương khớp

Theo như nguyên nhân gây nên các bệnh lý về lao là do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis có khả năng lan truyền qua không khí, đi vào phổi và sau đó di chuyển theo đường máu gây bệnh tại các cơ quan khác trong cơ thể, và hệ xương khớp cũng không ngoại lệ. Các con đường mà bệnh lao xương khớp có thể lây truyền đó là:

  • Bệnh lây qua đường hô hấp: Bệnh nhân bị lao phổi trước, dẫn tới vi việc vi khuẩn lao sinh sôi và phát tán ra môi trường bên ngoài cơ thể thông qua các hoạt động như ho, hắt hơi, sổ mũi, nói chuyện làm văng nước bọt, dịch tiết ra ngoài và lây cho những người xung quanh;
  • Lây từ mẹ sang con ở những người phụ nữ có thai và đang cho con bú;
  • Bệnh lây qua các vết thương hở.

6. Đối tượng nguy cơ Lao xương khớp

Những người có tỷ lệ cao mắc lao xương khớp đó là:

  • Người từ 20 – 40 tuổi;
  • Trẻ em nhỏ chưa được tiêm phòng vắc xin lao BCG;
  • Tiếp xúc gần và thường xuyên với những bệnh nhân bị lao phổi hoặc với các nguồn lây bệnh lao khác;
  • Đã từng mắc bệnh lao trước đó như: Lao phổi, lao hạch, lao sơ nhiễm, lao tiết niệu,…;
  • Mắc các bệnh lý nền như: Suy giảm miễn dịch, HIV/AIDS, tiểu đường, suy dinh dưỡng, viêm loét dạ dày – tá tràng,…
Bệnh lao xương khớp
Những đã từng mắc bệnh lao trước đó như: Lao phổi, lao hạch, lao sơ nhiễm, lao tiết niệu,… dễ có nguy cơ cao mắc bệnh lao cơ xương khớp

7. Phòng ngừa Lao xương khớp

Chữa bệnh không bằng phòng bệnh. Việc áp dụng các phương pháp phòng chống bệnh lao xương khớp có ý nghĩa quan trọng để đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh, cụ thể như sau:

  • Cập nhật kiến thức y khoa cần thiết về bệnh lao nói chung và bệnh lao xương khớp nói riêng;
  • Cho trẻ nhỏ đi tiêm phòng vắc xin BCG;
Bệnh lao xương khớp
Tiêm phòng lao ở trẻ
  • Chủ động cách ly, phòng tránh bệnh lao từ những người bị bệnh lao;
  • Nếu tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân lao cần phải thực hiện các biện pháp tầm soát lao định kỳ bằng các phương pháp xét nghiệm;
  • Đối với những người bị mắc lao xương khớp và cả những loại lao khác, cần chủ động chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa vi khuẩn lao phát tán ra bên ngoài, không tụ tập nơi đông người tránh lây cho cộng đồng và tuân thủ chặt chẽ theo phác đồ điều trị của bác sĩ;
  • Có lối sống cũng như chế độ ăn uống lành mạnh: không hút thuốc lá, không sử dụng chất kích thích và lạm dụng đồ uống có cồn như rượu, bia, cà phê. Tập tành thói quen ngủ đủ giấc, đúng giờ, ăn đủ bữa và đầy đủ chất dinh dưỡng thiết yếu để đảm bảo một cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng chống lại vi khuẩn có hại. Hạn chế đến những nơi đông người để giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn lao.

8. Các biện pháp chẩn đoán Lao xương khớp

Chẩn đoán dựa trên các biểu hiện lâm sàng của người bệnh. Mặc dù ở giai đoạn đầu bệnh còn mơ hồ nhưng cũng giúp ích phần nào cho bác sĩ định hướng;

  • Chụp X-quang phổi, cột sống hoặc các vị trí xương bị tổn thương để phát hiện nhiễm trùng;
  • Chọc hút mẫu bệnh phẩm lấy từ vị trí lao xương và soi vi khuẩn lao;
  • Chụp CT và MRI: Các biện pháp chẩn đoán hình ảnh giúp quan sát và đánh giá được tình trạng của xương, đồng thời phát hiện ra những biến chứng do bệnh gây nên;
Bệnh lao xương khớp
Chụp cộng hưởng từ MRI giúp chẩn đoán bệnh lý lao xương khớp
  • Xét nghiệm Mantoux;
  • Xét nghiệm công thức máu, đo tốc độ lắng máu.

9. Các biện pháp điều trị Lao xương khớp

Việc phát hiện và chẩn đoán sớm giúp ích rất nhiều trong công tác điều trị bệnh xương khớp, khi đó bệnh nhân sẽ được áp dụng đúng phác đồ điều trị và hạn chế sự phát triển của bệnh cũng như những biến chứng nghiêm trọng về sau. Nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ thì bệnh lao xương khớp có cơ hội được chữa khỏi hoàn toàn.

Mục đích trong điều trị lao xương khớp:

  • Giảm đau do các triệu chứng của vi khuẩn lao gây nên;
  • Điều trị khu vực bị nhiễm trùng và loại bỏ vi khuẩn lao;
  • Phục hồi và bảo tồn chứng năng của hệ xương khớp và thần kinh;
  • Ngăn ngừa, phòng chống những biến chứng.

Có thể áp dụng các biện pháp điều trị như sau:

  • Hoá trị (bằng cách dùng thuốc): Đây là biện pháp điều trị dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Phác đồ điều trị bao gồm kết hợp các loại thuốc với nhau trong thời gian từ 6 – 18 tháng. Tại thời gian đầu, bệnh nhân sẽ được theo dõi, giám sát tại nhà để đảm bảo tuân thủ theo phác đồ điều trị, đồng thời tránh lây lan vi khuẩn lao ra ngoài cộng đồng. Phần lớn người bệnh đều đá ứng với biện pháp hoá trị nhưng cũng có những trường hợp khác thuốc, yêu cầu cần thay thế bằng phương pháp điều trị khác hiệu quả hơn.
  • Nghỉ ngơi: Khi bắt đầu áp dụng điều trị, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi lại sức từ 4 – 5 tuần. Khuyến khích người bệnh nên nằm giường cứng để mang lại hiệu quả cao hơn so với nằm giường nệm.
  • Vật lý trị liệu: bệnh nhân có thể tập vận động dần dần để tránh bị cứng khớp sau thời gian 4 – 5 tuần nghỉ ngơi tương đối.
  • Thực hiện phẫu thuật: được chỉ định cho những trường hợp không đáp ứng với điều trị nội khoa và tập phục hồi chức năng, hoặc bệnh nhân phải chịu biến chứng như biến dạng xương khớp, xuất hiện ổ áp xe lớn, vận động bị hạn chế nhiều,… ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt và công việc của người bệnh.

 

Bài viết liên quan:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!