Thấp tim là bệnh phát triển sau khi bị viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A không điều trị triệt để. Bệnh thấp tim có thể gây tổn thương van tim vĩnh viễn, suy tim hoặc thậm chí là tử vong. Người bị thấp tim cần điều trị sớm và điều trị dự phòng kéo dài để ngăn ngừa thấp tim tái phát. Bạn đọc hãy cùng Sống Khỏe Mỗi Ngày tham khảo ngay bài viết sau đây nhé.
1. Thấp tim là bệnh gì
Thấp tim còn gọi là sốt thấp khớp hoặc thấp khớp cấp, tiếng Anh là Rheumatic fever. Thấp tim phát triển sau khi nhiễm vi khuẩn liên cầu tan huyết nhóm A (Streptococcus A). Nó có thể gây tổn thương viêm nghiêm trọng ở tim, khớp, da và não.
Vi khuẩn liên cầu tan huyết nhóm A gây ra các bệnh như viêm họng hoặc sốt tinh hồng nhiệt. Khoảng 0,3-3% người nhiễm liên cầu A không điều trị triệt để sẽ phát triển thành thấp tim, xảy ra trong 14-28 ngày sau đó. Khoảng 50% bệnh nhân bị thấp tim sẽ tiếp tục bị tái phát thấp tim.
Tại Việt Nam, bệnh thấp tim thường gặp ở người từ 5-15 tuổi, nhưng cũng gặp không ít ở người trên 20 tuổi. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh van tim ở người trẻ.
2. Nguyên nhân của thấp tim
Liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A không trực tiếp gây ra thấp tim mà thông qua cơ chế miễn dịch. Vì vậy mà thấp tim ít khi xảy ra ở bệnh nhân dưới 5 tuổi – lúc mà hệ miễn dịch chưa đủ hoàn thiện.
Khi vi khuẩn liên cầu A xâm nhập vào cơ thể, kháng nguyên nằm ở lớp vỏ ngoài của nó, cụ thể là các protein M, T và R, kích thích hệ miễn dịch của cơ thể sản xuất các kháng thể để chống lại vi khuẩn này.
Nhưng các protein này, đặc biệt là protein M không những đặc hiệu miễn dịch mà còn là yếu tố gây thấp mạnh nhất. Nó gây ra phản ứng chéo với cơ thể, vô tình mà các kháng thể vốn sinh ra để chống lại vi khuẩn liên cầu A cũng chống lại các protein ở các mô liên kết của cơ thể, nhất là các mô liên kết ở van tim.
Đa phần các trường hợp tiến triển thành thấp tim là sau khi bị nhiễm liên cầu A gây viêm họng mà không điều trị triệt để. Còn nhiễm liên cầu gây bệnh ngoài da ít khi gây thấp tim.
3. Ai có nguy cơ bị thấp tim
- Tuổi: Thường gặp ở trẻ 5-15 tuổi, ít gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, hiếm gặp sau 35 tuổi.
- Giới tính: Nữ giới thường bị tổn thương van hai lá hơn nam giới. Nam giới thường bị tổn thương van động mạch chủ hơn nữ giới.
- Điều kiện sống: Khí hậu khắc nghiệt, khu vực đông đúc, vệ sinh kém, sức đề kháng yếu.
4. Triệu chứng thấp tim
Người bị thấp tim trước đó sẽ có biểu hiện viêm đường hô hấp trên do nhiễm liên cầu A: đau họng, sốt, đau đầu, đau bụng, nôn và buồn nôn.
Các triệu chứng chính khi bị thấp tim:
- Viêm tim: Xảy ra ở 41-83% các bệnh nhân thấp tim. Mức độ viêm tim có thể từ nhẹ không có triệu chứng cho đến các dấu hiệu suy tim cấp nặng. Các triệu chứng thường gặp: tim đập nhanh, đau tức ngực, khó thở.
- Viêm khớp: 80% bệnh nhân thấp tim bị viêm khớp. Biểu hiện: sưng, nóng, đỏ, đau các khớp gối, mắt cá chân, cổ tay, khuỷu tay… Viêm khớp thay đổi từ khớp này sang khớp khác, thường sẽ không để lại di chứng ở khớp.
- Múa giật Sydenham: Gặp ở khoảng 30% các trường hợp thấp tim. Là những cử động không tự chủ, không mục đích ở các cơ mặt, bàn tay, bàn chân; yếu cơ; mất kiểm soát cảm xúc. Biểu hiện ban đầu: khó viết, khó nói, khó đi lại, thường biến mất khi ngủ.
- Nốt dưới da: Gặp ở khoảng 20% các trường hợp thấp tim, thường tồn tại trong 1-2 tuần. Đặc điểm: nốt có đường kính 0,5-2cm, cứng, không đau, di động, thường xuất hiện ở các khớp lớn.
- Hồng ban vòng: Ít gặp hơn. Đặc điểm: ban có màu hồng và khoảng nhạt màu ở giữa tạo thành ban vòng, xuất hiện ở thân mình, bụng, mặt trong cánh tay, đùi. Hồng ban vòng không bao giờ xuất hiện trên mặt.
Các triệu chứng phụ khi bị thấp tim:
- Sốt
- Đau khớp (không có sưng, nóng, đỏ – những biểu hiện viêm khớp)
- Đau bụng
- Viêm cầu thận cấp
- Viêm phổi cấp
- Đái máu
- Viêm màng não
5. Chuẩn đoạn bệnh thấp tim
a. Tiêu chuẩn để chẩn đoán thấp tim
Hiện nay, thế giới thống nhất dùng tiêu chuẩn Jones (sửa đổi năm 2015) để chẩn đoán thấp tim. Chẩn đoán xác định thấp tim bắt buộc phải có bằng chứng của nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A trước đó. Ngoài ra, cần có 02 tiêu chuẩn chính hoặc 01 tiêu chuẩn chính và 02 tiêu chuẩn phụ dưới đây.
Tiêu chuẩn chính:
- Viêm tim
- Viêm khớp
- Múa giật Sydenham
- Nốt dưới da
- Hồng ban vòng
Tiêu chuẩn phụ:
- Sốt
- Đau khớp
- Xét nghiệm ESR hoặc CRP tăng
- Điện tâm đồ bất thường (khoảng PR kéo dài)
b. Các xét nghiệm để chẩn đoán thấp tim
Chẩn đoán nhiễm liên cầu A bằng một trong các xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm cấy dịch họng tìm liên cầu.
- Test nhanh kháng nguyên liên cầu.
- Xét nghiệm kháng thể kháng liên cầu trong máu (ASLO hay ASO): Đây là xét nghiệm thông dụng nhất hiện nay.
- Một số xét nghiệm kháng thể sử dụng kết hợp: anti-DNAase B, anti-hydaluronidase, anti-steptokinase, anti-NADase…
Các xét nghiệm khác để chẩn đoán và đánh giá thấp tim:
- Xét nghiệm máu: công thức máu toàn phần (CBC), tốc độ máu lắng (ESR), protein phản ứng C (CRP)…
- Điện tâm đồ (ECG).
- Siêu âm Doppler tim
- Sinh thiết cơ tim.
- Chụp X-quang ngực.
6. Bệnh thấp tim có nguy hiểm không?
Bệnh thấp tim có thể gây ra các biến chứng như:
- Suy tim cấp hoặc rối loạn nhịp: trong giai đoạn bệnh cấp tính, người bệnh có thể sẽ bị ảnh hưởng do viêm cơ tim.
- Viêm khớp: bệnh nhân thường bị đau ở khớp nhiều và có thể kèm theo sưng nóng đỏ, may mắn, dạng viêm khớp này thường không để lại di chứng nguy hiểm cho người bệnh, tuy nhiên người bệnh sẽ bị sưng đau, giảm chất lượng sống.
- Tổn thương thần kinh: tổn thương hệ thống ngoại tháp gây biểu hiện múa giật, múa vờn là những ảnh hưởng đến não, nhưng các tổn thương trên não đa số lại hồi phục được và không để lại di chứng.
- Tổn thương trên van hai lá và van động mạch chủ có thể gây hở hoặc hẹp van: Tổn thương hẹp chủ đơn thuần ở bệnh nhân thấp tim hiếm gặp. Hở van ba lá thường do cơ năng kèm với bệnh lý van hai lá.
7. Cách điều trị bệnh thấp tim
Điều trị bệnh thấp tim bao gồm:
- Điều trị nhiễm liên cầu: Thường dùng là kháng sinh penicillin.
- Chống viêm khớp: Thường dùng là thuốc aspirin.
- Điều trị múa giật Sydenham: Nghỉ ngơi, tránh dao động cảm xúc, dùng một số loại thuốc điều trị co giật.
- Nghỉ ngơi nhiều, sau đó tăng vận động dần dần tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh.
- Điều trị suy tim (nếu có).
Bệnh nhân đã bị thấp tim có nhiều nguy cơ tiếp tục bị thấp tim sau đó. Vì vậy việc điều trị sẽ bao gồm điều trị dự phòng thấp tim bằng kháng sinh để giảm tỷ lệ tái phát. Cần điều trị ngay và yêu cầu bệnh nhân phải tuân thủ. Thời gian sử dụng thuốc có thể kéo dài nhiều năm, phụ thuộc vào từng cá nhân cụ thể.
- Trẻ em sẽ tiếp tục dùng kháng sinh cho đến 21 tuổi hoặc hoặc lâu hơn tùy vào tình trạng bệnh cụ thể.
- Thanh thiếu niên và thanh niên sẽ cần dùng trong ít nhất 5 năm hoặc lâu hơn tùy vào tình trạng bệnh cụ thể.
- Thấp tim gây viêm cơ tim và để lại di chứng bệnh van tim có thể phải điều trị rất lâu dài, ít nhất phải đến 40 tuổi.
8. Các biến chứng của bệnh tim cấp có thể xảy ra
Thấp tim có thể gây ra các biến chứng lâu dài về tim như:
- Tổn thương van tim.
- Tổn thương cơ tim.
- Suy tim.
- Viêm nội tâm mạc.
- Viêm màng ngoài tim.
- Rối loạn nhịp tim.
- Múa giật Sydenham.
9. Phòng ngừa bệnh thấp tim
Cho đến nay, bệnh thấp tim vẫn là bệnh phổ biến và là gánh nặng cho bệnh nhân, theo bác sĩ Ngọc để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh mỗi người cần chú ý giữ ấm, giữ vệ sinh răng miệng hằng ngày để tránh các bệnh về răng, viêm họng. Bên cạnh đó, việc phát hiện sớm các tổn thương do bệnh gây ra cũng rất quan trọng trong việc điều trị dự hậu lâu dài bằng kháng sinh, việc điều trị sớm sẽ giảm tối đa biến chứng của bệnh gây nên.
Với những người được chẩn đoán mắc bệnh tim mạch cần được theo dõi và thăm khám định kỳ hàng năm bằng các phương pháp như siêu âm tim để đánh giá mức độ tổn thương cũng như lập kế hoạch can thiệp, điều trị nếu cần thiết. Người dân nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Mặc dù bệnh thấp tim rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng việc thực hiện lối sống lành mạnh và sinh hoạt điều độ như:
- Giữ môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh khu vực nhà ở và môi trường sống xung quanh;
- Chú ý giữ vệ sinh cơ thể và vùng mũi họng sạch sẽ;
- Giữ ấm vùng cổ, ngực, mũi họng trong mùa đông;
- Chế độ dinh dưỡng đủ chất để nâng cao sức đề kháng. Nếu bạn bị viêm họng, viêm amidan hoặc viêm xoang cần đến các cơ sở y tế để được điều trị triệt để.
- Với trẻ em từ 5-15 tuổi có viêm họng kèm đau mỏi, sưng các khớp, tức ngực, hồi hộp và khó thở, đau vùng tim kèm theo bất thường về thần kinh vận động cần cho trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được khám và điều trị kịp thời;
- Tuân thủ chế độ tiêm phòng tái phát thấp tim cho trẻ dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ, đây là việc rất cần thiết vì nếu không tiêm phòng, bệnh sẽ dễ dàng tái phát nhiều lần và để lại di chứng ngày càng nặng dẫn đến suy tim không hồi phục rất nguy hiểm đến tính mạng. Cho đến nay, chưa có vắc xin chống liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị kịp thời các bệnh nhiễm liên cầu khuẩn vẫn là phương pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh bệnh thấp tim. Gia đình phải cho trẻ tái khám định kỳ mỗi 4 tuần, 3 tháng hoặc 6 tháng tùy theo hướng dẫn của bác sĩ. Không nên bỏ tái khám vì bệnh sẽ tái phát và diễn tiến nặng lên nhiều.
Hiện nay, bệnh thấp tim là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim ở trẻ em và thanh niên dưới 40 tuổi sống ở các nước đang phát triển. Vì vậy để tránh những tổn thương do bệnh gây ra, nếu xuất hiện những triệu chứng ở trên người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Nguồn: https://www.umcclinic.com.vn/tin-tuc/y-hoc-thuong-thuc/thap-tim-sot-thap-khop-la-benh-gi
Bài viết liên quan:
- Viêm khớp phản ứng có nguy hiểm không ?
- Các dạng viêm khớp thường gặp hiện nay
- Viêm khớp liên mấu cột sống – Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
- Viêm khớp sụn sườn là gì? Dấu hiệu nhận biết, điều trị và cách phòng ngừa
- Viêm khớp ức đòn là bệnh gì? Có điều trị triệt để được không?
- Viêm cột sống dính khớp triệu chứng và cách điều trị
- Tác động Khớp giả trong gãy xương đến sức khỏe bệnh nhân