Viêm khớp liên mấu cột sống – Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm khớp liên mấu

Cột sống có chức năng chống đỡ trọng lực cơ thể, bảo vệ tủy sống và chi phối hầu hết các hoạt động của cơ thể. Khớp liên mấu nằm phía sau cột sống, lại là bộ phận không thể thiếu của cột sống. Viêm khớp liên mấu ảnh hưởng nhiều đến khả năng vận động của người bệnh.

Viêm khớp liên mấu là một loại viêm khớp khá thường gặp. Khi các khớp liên mấu ở cột sống cổ hay cột sống thắt lưng bị viêm, người bệnh sẽ phải hứng chịu những cơn đau nhức cục bộ. Mọi hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày, công việc, học tập đều bị ảnh hưởng. Vậy viêm khớp liên mấu là gì? Nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị bệnh ra sao? Hãy cùng Sống Khỏe Mỗi Ngày tham khảo bài viết sau đây nhé.

1. Viêm khớp liên mấu là bệnh gì?

Khớp liên mấu có vị trí nằm sau cột sống. Nó có chức năng cố định các diện khớp trên và diện khớp dưới của các đốt sống trên cột sống. Ở mỗi đoạn vận động của cột sống sẽ có hai khớp liên mấu ở hai bên. Khớp liên mấu giúp cho các đốt sống vận động linh hoạt. Nhờ đó, chức năng nâng đỡ và vận động của cột sống được đảm bảo.

Viêm ở khớp liên mấu là tình trạng các cấu trúc của khớp liên mấu (gồm bao khớp, sụn mặt khớp, màng hoạt dịch, xương dưới sụn) ở cột sống lưng và cột sống cổ bị tổn thương. Bệnh đặc trưng bởi những cơn đau nhức ở vùng cổ và thắt lưng. Một số ít trường hợp, viêm khớp liên mấu xảy ra ở vùng chuyển tiếp giữa đường cong cột sống cổ và cột sống lưng.

Khi khớp liên mấu viêm nặng, sụn khớp và dịch khớp bị bào mòn hoặc phá hủy dần. Khi đó bề mặt xương khớp liền kề sẽ cọ xát vào nhau dẫn đến việc hình thành các chồi xương. Các chồi xương càng nhiều càng làm chật lỗ liên hợp – nơi các rễ thần kinh bắt nguồn từ ống sống đi qua. Điều đó có nghĩa là các chồi xương hình thành càng nhiều, ảnh hưởng mạnh đến các rễ thần kinh.

Viêm khớp liên mấu
Hình ảnh mô phỏng khớp liên mấu bị viêm

Nếu viêm khớp liên mấu không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ phải đối mặt với các tình trạng như: Viêm động mạch chủ, van động mạch chủ biến dạng, khả năng vận động bị suy giảm. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ khó bình phục và dẫn đến biến chứng nghiêm trọng nhất là tàn tật.

2. Nguyên nhân và triệu chứng viêm khớp liên mấu

2.1. Triệu chứng viêm khớp liên mấu

Triệu chứng bệnh sẽ khác nhau tùy theo từng vị trí khớp liên mấu bị viêm. Một số triệu chứng bệnh thường gặp nhất như:

  • Người bệnh gặp khó khăn và đau khi thực hiện động tác xoay người, vặn mình, ưỡn ngực hay gập người về phía trước.
  • Khớp liên mấu ở cột sống cổ bị viêm, người bệnh sẽ đau ở vùng trục cổ, vai, lưng trên. Một số hiếm trường hợp bị đau lan xuống cánh tay. Khu vực cổ khó xoay, khó kéo giãn thậm chí gần như bất động. Muốn xoay cổ sang một bên thì cơ thể phải xoay theo.
  • Khớp liên mấu ở cột sống thắt lưng bị viêm gây căng và đau vùng thắt lưng. Cảm giác đau có thể lan sang mạn sườn hoặc hông. Cảm giác đau tăng lên khi nghiêng cột sống, ưỡn người và đau có thể giảm khi cúi gập người. Cảm giác đau tăng khi hạ huyết áp. Người bệnh bị cứng thắt lưng, khó cử động thắt lưng.
  • Nếu khớp liên mấu vị trí L4 – L5 và L5 – S1 bị viêm, cảm giác đau có thể lan xuống chân. Người bệnh khó giữ thẳng lưng hoặc ngồi cong lưng. Đang ở vị trí ngồi thấp khó đứng dậy ở vị trí cao.

Ngoài ra, người bệnh sẽ cảm thấy đau mỏi, tê bì gần như ở toàn bộ cơ thể từ vai gáy, cánh tay, hông, mông và chân. Người bệnh mất đường cong sinh lý do nghiêng ở thắt lưng hoặc khớp xương cùng.

Viêm khớp liên mấu
Người bệnh viêm khớp liên mấu đau và mất đường cong sinh lý tự nhiên

2.2. Nguyên nhân viêm khớp liên mấu

Viêm ở các khớp liên mấu xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả chủ quan lẫn khách quan. Cụ thể là:

  • Thoái hóa đĩa đệm hoặc thoát vị đĩa đệm: Khi đĩa đệm bị thoát vị hoặc bị thoái hóa sẽ làm không gian đốt sống bị hẹp lại đồng nghĩa với việc áp lực lên khớp liên mấu sẽ gia tăng. Nguyên nhân này thường xuất hiện ở những người cao tuổi. Vị trí thường gặp là ở đốt sống L4 – L5.
  • Vận động ở từ thế không đúng cũng có thể là nguyên nhân khiến khớp liên mấu bị viêm. Người bệnh thực hiện các tư thế ưỡn người, xoay người quá mức và lặp lại sẽ ảnh hưởng đến cột sống cũng các cấu trúc liên quan từ khớp liên mấu, bao khớp, dây chằng, đĩa đệm,…
  • Các nguyên nhân khác như: Viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, trượt đốt sống cũng có thể dẫn đến viêm khớp liên mấu.

3. Điều trị viêm khớp liên mấu thế nào?

Theo các bác sĩ, khớp liên mấu viêm có thể điều trị được và khả năng phục hồi tùy mức độ nghiêm trọng cũng như nguyên nhân gây bệnh. Viêm nhẹ và mới xuất hiện có thể phục hồi đến 90%. Tình trạng viêm càng nặng, mức độ phục hồi càng giảm. Một số phương pháp được áp dụng trong điều trị khớp liên mấu bị viêm như:

3.1. Điều trị khớp liên mấu bị viêm bằng thuốc

Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị tình trạng viêm ở khớp liên mấu gồm nhóm thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid, thuốc giãn cơ,… Ngoài phương pháp điều trị bằng thuốc, các bác sĩ cũng có thể tư vấn người bệnh dùng thêm thực phẩm chức năng xương khớp để hỗ trợ quá trình phục hồi khớp liên mấu. Việc dùng các loại thuốc kể trên cần tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân lạm dụng thuốc giảm đau có thể dẫn đến lệ thuộc thuốc và các tác dụng phụ cho gan, thận.

Viêm khớp liên mấu
Người bị viêm ở khớp liên mấu không nên lạm dụng thuốc giảm đau

3.2. Vật lý trị liệu để giảm đau

Các bài tập vật lý trị liệu nhằm mục đích giãn cơ, thư giãn cột sống, giảm đau, giảm áp lực lên khớp liên mấu,… Các bài tập này cần được thực hiện dưới sự tư vấn hoặc giám sát của kỹ thuật viên chuyên nghiệp. Tập luyện sai cách và sai tư thế có thể khiến triệu chứng đau, sưng, viêm thêm nghiêm trọng.

3.3. Dùng sóng cao tần hủy nhánh thần kinh giữa

Nếu các biện pháp trên không hiệu quả sau thời gian áp dụng 3 tháng, bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp dùng sóng cao tần RFA để hủy nhánh thần kinh giữa của rễ sau cột sống cổ hoặc cột sống thắt lưng. Phương pháp này giúp giảm đau nhanh và khả năng vận động cột sống được cải thiện đáng kể.

Viêm khớp liên mấu
Tiêm corticosteroid phải đảm bảo kỹ thuật và an toàn

3.4. Tiêm corticosteroid tại khớp liên mấu bị viêm

Tiêm corticosteroid trực tiếp vào khớp bị viêm được chứng minh là có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng đau do viêm. Hiệu quả giảm đau có thể kéo dài từ hàng tháng đến hàng năm. Tuy nhiên, kỹ thuật này cần được thực hiện ở các cơ sở y tế uy tín. Bác sĩ thực hiện kỹ thuật tiêm này phải có trình độ chuyên môn về khớp. Bệnh nhân cũng cần lưu ý, tiêm corticosteroid trong thời gian dài có thể gặp phải những tác dụng phụ toàn thân.

Viêm khớp liên mấu nên được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt. Nếu điều trị sớm và đúng cách, mức độ phục hồi có thể lên đến hơn 90%. Nhưng nếu điều trị chậm trễ, bệnh tiến triển nặng và biến chứng, người bệnh có thể bị giảm khả năng vận động cả đời.

Nguồn: https://nhathuoclongchau.com.vn/bai-viet/viem-khop-lien-mau-nguyen-nhan-trieu-chung-cach-dieu-tri.html

Bài viết liên quan: 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!