Hiện tượng đau buốt xương nguyên nhân & cách điều trị

Hiện tượng đau buốt xương nguyên nhân & cách điều trị

Hiện tượng đau buốt xương

Hiện tượng đau buốt xương khớp không chỉ xảy ra ở người già, người lao động nặng mà còn có thể gặp phải ở những người trẻ. Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì và phải làm sao để có thể khắc phục đau nhức xương khớp? Hãy cùng Sống Khỏe Mỗi Ngày tham khảo bài viết sau đây nhé.

1. Hiện tượng đau buốt xương khớp là do những nguyên nhân nào?

Hiện tượng đau buốt xương khớp thường xảy ra vào ban đêm hoặc sáng sớm khi người bệnh vừa thức dậy. Triệu chứng này tăng lên khi trời trở lạnh. Đây là tình trạng khá phổ biến ở người trung niên, người lười vận động, người mắc phải các bệnh về xương khớp hoặc các trường hợp phải làm việc trước máy tính trong suốt một thời gian dài.

Giai đoạn đầu, triệu chứng đau nhức không gây ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng sống và sức khỏe của người bệnh. Do đó, nhiều người có tâm lý chủ quan và không đi khám, điều trị bệnh kịp thời. Tuy nhiên, chính vì sự chủ quan, thờ ơ với sức khỏe, người bệnh có thể gặp phải tình trạng mất ngủ, suy nhược cơ thể, mệt mỏi, chán ăn,… thậm chí là nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động.

Theo các chuyên gia, hiện tượng đau buốt xương khớp có thể do một số nguyên nhân dưới đây:

1.1. Thay đổi thời tiết

Thời tiết là yếu tố có ảnh hưởng lớn đối với những người thường xuyên bị đau xương khớp. Khi thời tiết quá lạnh, các mạch máu sẽ co lại, gây ảnh hưởng đến quá trình nuôi dưỡng khớp và kích thích các dây thần kinh tại đây. Chính vì thế, người bệnh sẽ cảm nhận những cơn đau khớp rõ rệt hơn.

Hơn nữa, sự thay đổi áp suất của khí quyển khi trời lạnh đột ngột có thể gây ra tình trạng co rút gân, dịch khớp có nguy cơ đông đặc hơn dẫn tới đau khớp, cứng khớp khiến người bệnh cử động rất khó khăn.

1.2. Thói quen sinh hoạt không khoa học

Có thể bạn không biết nhưng những thói quen hàng ngày như tập thể dục không đúng kỹ thuật, chơi thể thao với cường độ cao, ngồi làm việc không đúng tư thế trong suốt một thời gian dài hoặc thường xuyên bê vác vật nặng,… cũng là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các vấn đề về sức khỏe xương khớp.

Hiện tượng đau buốt xương
Ngồi làm việc không đúng tư thế có thể gây đau buốt xương khớp

Bên cạnh đó, một số chấn thương xảy ra trong sinh hoạt, trong lao động hay do tai nạn giao thông cũng có thể gây đau nhức xương khớp và nhiều vấn đề nghiêm trọng khác.

1.3. Xương khớp bị thiếu khoáng chất

Hệ thống xương khớp cũng giống như nhiều cơ quan khác, cần được cung cấp đầy đủ dưỡng chất để duy trì hoạt động và phát triển tốt. Nếu bị thiếu vitamin D, Canxi, Kali,… hay một số khoáng chất quan trọng khác, bạn có thể bị đau nhức xương khớp. Tình trạng đau xương khớp do thiếu hụt khoáng chất và dinh dưỡng rất phổ biến ở những đối tượng như trẻ em, người có thể lực kém và bà bầu.

1.4. Do một số bệnh lý

Ngoài những nguyên nhân kể trên, rất nhiều trường hợp đau nhức xương khớp là do bệnh lý, có thể kể đến như:

  • Bệnh thoái hóa khớp: Xảy ra khi sụn khớp và xương dưới sụn bị tổn thương dẫn đến tình trạng sưng, viêm và giảm dịch khớp. Trong đó, khớp gối là vị trí dễ bị thoái hóa nhất. Cơn đau do tình trạng thoái hóa khớp thường tăng lên khi bệnh nhân hoạt động nhiều và thời tiết chuyển lạnh sâu và đột ngột. Vào buổi sáng khi thức dậy bệnh nhân sẽ cảm nhận rất rõ tình trạng cứng khớp, tuy nhiên sau vài phút vận động, tình trạng này sẽ nhanh chóng biến mất. Nếu không được điều trị sớm, bệnh sẽ làm giảm khả năng vận động, gây biến dạng khớp và nguy hiểm hơn là có thể gây tàn phế.
Hiện tượng đau buốt xương
Đau nhức xương khớp do thoái hóa khớp
  • Bệnh viêm khớp dạng thấp: Không chỉ gây ra hiện tượng đau buốt xương khớp, bệnh còn xuất hiện kèm theo tình trạng cứng các khớp kéo dài hàng giờ đồng hồ vào mỗi buổi sáng sớm. Tình trạng này khiến người bệnh đi lại, sinh hoạt rất khó khăn và nếu không điều trị sớm có thể làm giảm khả năng lao động, tăng nguy cơ tàn phế.
  • Bệnh Gout: Bệnh có thể gặp ở cả người già và người trẻ. Nguyên nhân gây bệnh là do rối loạn chuyển hóa purin trong cơ thể. Người mắc bệnh Gout thường phải chịu đựng những cơn đau nhức dữ dội và có thể kèm theo tình trạng sốt cao, mệt mỏi. Vị trí thường xảy ra cơn đau là cổ chân, khớp ngón chân, khớp bàn tay.

Trường hợp đã bước sang giai đoạn mạn tính, người bệnh có thể gặp phải tình trạng biến dạng khớp vĩnh viễn, nhiều khối u được gọi là hạt Tophi xuất hiện ở quanh khớp, dưới da, vành tai,…

  • Loãng xương: Bệnh thường xảy ra ở người trung niên và người cao tuổi. Không chỉ gây đau nhức, tình trạng loãng xương còn làm giảm chiều cao, khiến xương yếu dần và dễ bị gãy hơn. Người bệnh còn có thể xuất hiện tình trạng run khi chuyển tư thế.
  • Lao xương khớp: Thường xảy ra ở khớp háng, vùng cột sống và khớp gối. Nguyên nhân gây bệnh là do vi trùng lao.

2. Chẩn đoán và điều trị hiện tượng đau buốt xương khớp

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu xảy ra tình trạng đau nhức xương khớp, bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. Một số phương pháp thường được áp dụng để chẩn đoán các bệnh lý về xương khớp có thể kể đến như:

Hiện tượng đau buốt xương
Chụp X-quang để phát hiện sớm những bệnh lý về xương khớp
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, CPR, máu lắng,…
  • Xét nghiệm sinh hóa miễn dịch có thể kể đến như canxi máu, axit uric, lipid máu Anti-CCP,…
  • Chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI.
  • Đo mật độ xương.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm các phương pháp khác nếu cần thiết để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác nhất. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, các chuyên gia sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp. Một số phương pháp điều trị thường được áp dụng là:

  • Sử dụng thuốc, chẳng hạn như thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ,…
  • Thay đổi lối sống sinh hoạt.
  • Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng.
  • Phẫu thuật.

Bên cạnh đó, mỗi chúng ta có thể phòng tránh hiện tượng đau buốt xương khớp bằng một số phương pháp sau:

Hiện tượng đau buốt xương
Tăng cường vận động để giúp xương khớp dẻo dai và chắc khỏe hơn
  • Chăm chỉ vận động, tập luyện mỗi ngày giúp xương khớp dẻo dai và chắc khỏe hơn.
  • Làm việc đúng tư thế, tránh ngồi hay đứng quá lâu một chỗ để không xảy ra tình trạng ứ trệ tuần hoàn máu và đau cứng khớp.
  • Thường xuyên tắm nắng và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.
  • Tránh để xảy ra tình trạng thừa cân, béo phì để hạn chế áp lực lên xương khớp.

Trên đây là một số thông tin về nguyên nhân gây ra hiện tượng đau buốt xương khớp cũng như cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả. Chúc bạn đọc sức khỏe.

Nguồn: https://medlatec.vn/tin-tuc/hien-tuong-dau-buot-xuong-do-nhung-nguyen-nhan-nao-s68-n31446

Bài viết liên quan:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *