Người cao tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị thoái hóa khớp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, rất nhiều người trẻ tuổi cũng phải đối mặt với bệnh thoái hóa khớp, trong đó bao gồm thoái hóa khớp háng. Nguyên nhân chủ yếu là do thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng không khoa học. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh thoái hóa khớp háng ở người trẻ.
1. Nguyên nhân gây ra tình trạng thoái hóa khớp háng ở người trẻ
Những năm trước đây, thoái hóa khớp háng nói riêng và các bệnh thoái hóa khớp nói chung thường xảy ra ở đối tượng trên 50 tuổi, nhưng thời gian gần đây, nhiều cơ sở y tế đã tiếp nhận và chẩn đoán bệnh ở những đối tượng rất trẻ, thậm chí có những trường hợp bị thoái hóa khớp khi chỉ dưới 30 tuổi. Bên cạnh đó, số lượng bệnh nhân đi khám và đang được điều trị các bệnh về xương khớp đang tăng lên từng ngày.
Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp háng ở người trẻ có thể kể đến như:
1.1. Thói quen lạm dung bia rượu
Tất cả chúng ta đều biết rằng, uống nhiều rượu bia là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các bệnh về gan và dạ dày. Tuy nhiên, chất kích thích này còn có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp, trong đó bao gồm thoái hóa khớp háng.
Cụ thể, những chất kích thích trong rượu bia có làm tổn thương các mao mạch, do đó ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển oxy và dinh dưỡng đến các tế bào xương và làm tăng nguy cơ thoái hóa xương khớp.
1.2. Thói quen hút thuốc lá
Những chất độc hại trong khói thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến lá phổi của bạn mà còn có thể gây tác động xấu và làm tổn thương những mao mạch nuôi dưỡng khớp háng.
Hơn nữa, những chất độc hại có trong khói thuốc, đặc biệt là nicotin còn có thể gây cản trở quá trình hấp thu canxi. Do đó, quá trình tái tạo xương sẽ giảm, làm giảm mật độ xương và gây ra những vấn đề về xương khớp như loãng xương, thoái hóa khớp.
Điều đáng nói là những thói quen sử dụng rượu bia hay hút thuốc lá không gây ra những hệ lụy sức khỏe trong một thời gian ngắn. Bởi vậy, nhiều người thường chủ quan và chưa nhìn nhận được những tác hại nghiêm trọng của rượu bia và thuốc lá đối với hệ thống xương khớp.
1.3. Do lười vận động
Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng thoái hóa khớp háng ở người trẻ chính là thói quen ít vận động. Nhất là những người phải ngồi làm việc trong một thời gian dài như công nhân hay nhân viên văn phòng. Nguyên nhân là khi ngồi làm việc, trọng lượng cơ thể sẽ áp lực lên các mô sụn, vì thế khớp háng dễ bị tổn thương.
Bên cạnh đó, khi bạn vận động thường xuyên, các khớp ma sát vào nhau sẽ giúp dịch nhầy tiết ra nhiều hơn và rất tốt cho khớp. Ngược lại, những trường hợp ít vận động, khớp sẽ ít sản xuất dịch nhầy, cứng hơn và thiếu linh hoạt. Khi các khớp cọ xát vào nhau chính là nguyên nhân trực tiếp khiến các mô sụn có nguy cơ bị thoái hóa.
1.4. Chế độ dinh dưỡng không khoa học
Do công việc quá bận rộn và những áp lực trong cuộc sống có thể khiến cho người trẻ thường xuyên ăn những món ăn chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp và có xu hướng chỉ chú trọng đến tính tiện lợi mà không quan tâm đến giá trị dinh dưỡng.
Hầu hết, những loại đồ ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn có nhiều axit béo no, chất bảo quản gây ảnh hưởng đến xương khớp và có thể gây tăng cân, tạo áp lực cho hệ thống xương khớp. Bên cạnh đó, chế độ ăn thiếu dinh dưỡng cũng có thể khiến cho xương khớp dễ bị suy yếu và tổn thương.
1.5. Do chấn thương
Một số trường hợp bị chấn thương tại khớp háng trong quá trình sinh hoạt, lao động hoặc chơi thể thao nhưng không được điều trị kịp thời cũng có thể khiến khớp bị mất cân bằng, ổ khớp lỏng lẻo, gây ra những tổn thương nghiêm trọng đến khớp háng.
Bên cạnh đó, chấn thương khớp háng còn có thể là nguyên nhân hình thành cục máu đông tại mao mạch và gây ảnh hưởng đến tuần hoàn máu, khiến các ổ khớp không được nuôi dưỡng, tăng nguy cơ suy yếu và hư tổn.
1.6. Lạm dụng thuốc corticosteroid
Đây là các loại thuốc có tác dụng chống viêm hay ức chế miễn dịch. Tuy nhiên, nếu lạm dụng thuốc sẽ làm suy yếu miễn dịch, làm tổn thương đến mạch máu và làm đau khớp.
1.7. Một số loại bệnh
Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, một số bệnh lý khác cũng có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp háng như bệnh Lupus ban đỏ, bệnh tiểu đường,…
2. Triệu chứng thoái hóa khớp háng ở người trẻ
Triệu chứng thoái hoá khớp háng ở người trẻ có thể có biểu hiện khác biệt so với người lớn tuổi, do cơ thể và khớp còn đang trong giai đoạn phát triển. Dưới đây là một số triệu chứng chính mà người trẻ có thể trải qua khi bị thoái hoá khớp háng:
- Đau ở vùng háng: Đau thường xuất hiện ở vùng háng hoặc xung quanh đùi, đặc biệt khi thực hiện các hoạt động như đi bộ, chạy, đứng lâu, hay leo cầu thang.
- Sưng và viêm nhiễm: Vùng xung quanh khớp háng có thể sưng và bị viêm nhiễm, gây ra khó khăn trong việc di chuyển.
- Giảm linh hoạt: Khớp háng có thể mất đi khả năng linh hoạt, khiến việc cử động và xoay khớp trở nên khó khăn và đau đớn.
- Điểm đau cố định: Cảm giác đau có thể tồn tại và không giảm đi dù bạn thực hiện các biện pháp giảm đau như nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc.
- Sự cản trở trong hoạt động hàng ngày: Triệu chứng thoái hóa khớp háng có thể làm cho việc thực hiện các hoạt động hàng ngày như đi bộ, lên xuống cầu thang, hay ngồi lâu trở nên khó khăn và đau đớn.
- Làm việc và tập trung khó khăn: Đau và triệu chứng khớp háng có thể ảnh hưởng đến khả năng làm việc và tập trung.
- Khó khăn khi thực hiện các hoạt động thể thao: Thoái hóa khớp háng có thể giới hạn khả năng tham gia vào các hoạt động thể thao và tập thể dục.
- Thay đổi tư thế đi lại: Do đau và khó khăn, bạn có thể phải thay đổi tư thế khi đi lại để giảm bớt áp lực lên khớp.
Nhớ rằng triệu chứng của thoái hóa khớp háng ở người trẻ có thể biến đổi và không phải lúc nào cũng giống nhau. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào tương tự, hãy thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để được chẩn đoán chính xác và điều trị thích hợp.
3. Chăm sóc sức khỏe cho người trẻ bị thoái hóa khớp háng
Chăm sóc sức khỏe cho thoái hóa khớp háng ở người trẻ bao gồm một loạt các biện pháp để giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và hỗ trợ quá trình điều trị. Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc sức khỏe cho thoái hóa khớp háng ở người trẻ:
- Thảo luận với bác sĩ: Đầu tiên, hãy thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia y tế về triệu chứng của bạn để có chẩn đoán chính xác và kế hoạch điều trị phù hợp.
- Quản lý trọng lượng: Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức lành mạnh có thể giảm tải áp lực lên khớp háng và giúp giảm triệu chứng.
- Tập thể dục nhẹ nhàng: Thực hiện các bài tập tập trung vào cải thiện linh hoạt và tăng cường cơ bắp xung quanh khớp. Hãy thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia về các bài tập thích hợp cho tình trạng của bạn.
- Thay đổi lối sống: Tránh tình trạng căng thẳng hoặc tác động lớn lên khớp háng. Hạn chế thời gian bạn dành trên chân và sử dụng đệm êm ái để giảm áp lực.
- Sử dụng hỗ trợ: Các hỗ trợ như gậy đi bộ, dây đeo hoặc đệm chống sốc có thể giúp giảm áp lực lên khớp và giảm triệu chứng.
- Tác động nhiệt và lạnh: Nhiệt giúp làm giãn cơ bắp và giảm đau, trong khi lạnh giúp làm giảm sưng và viêm nhiễm. Áp dụng nhiệt hoặc lạnh tùy theo tình trạng của bạn.
- Sử dụng thuốc: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau và thuốc kháng viêm không steroid để kiểm soát triệu chứng.
- Chăm sóc tâm lý: Bị thoái hóa khớp háng có thể ảnh hưởng đến tâm lý của bạn. Tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý từ gia đình, bạn bè hoặc chuyên gia tâm lý.
- Theo dõi: Định kỳ kiểm tra và thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để đảm bảo tình trạng được kiểm soát tốt nhất.
- Thay đổi vị trí ngủ: Nếu bạn cảm thấy đau khi ngủ, hãy thử thay đổi vị trí ngủ hoặc sử dụng gối hỗ trợ.
Chăm sóc sức khỏe thoái hóa khớp háng ở người trẻ là một quá trình tổng hợp, cần sự kết hợp của nhiều biện pháp và sự hỗ trợ từ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế.
4. Hướng dẫn phòng ngừa thoái hóa khớp háng ở người trẻ
Ở người trẻ, hệ thống xương khớp khỏe mạnh và có khả năng tái tạo tốt hơn rất nhiều so với người cao tuổi. Vì thế, nếu áp dụng đúng cách, người trẻ vẫn có thể phòng ngừa các bệnh thoái hóa khớp háng và nhiều bệnh về xương khớp khác. Dưới đây là những hướng dẫn cụ thể:
- Loại bỏ thói quen hút thuốc, lạm dụng uống rượu bia hay dùng chất kích thích,…
- Nên áp dụng chế độ ăn khoa học, dinh dưỡng lành mạnh, nên bổ sung nhiều vitamin D, omega 3, canxi, protein,…
- Thường xuyên vận động, tập luyện thể thao, nhưng cần hạn chế những bài tập cường độ cao.
- Đối với nhân viên văn phòng và một số công việc đặc thù khác, nên chú ý ngồi và đứng đúng tư thế. Nên cố gắng đi lại sau mỗi một giờ làm việc.
- Nên duy trì trọng lượng vừa phải. Nếu đang trong tình trạng béo phì cần có kế hoạch giảm cân để bảo vệ sức khỏe.
- Thăm khám định kỳ và nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường thì cần đi khám sớm để được điều trị bệnh kịp thời
- Nếu dùng thuốc điều trị nên tuân thủ theo đúng liều lượng của bác sĩ. Không tự ý mua thuốc và lạm dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Mong rằng những thông tin về tình trạng thoái hóa khớp háng ở người trẻ trong bài viết này của Sống Khỏe Mỗi Ngày đã giúp ích cho bạn. Chúc bạn luôn khỏe mạnh và bình an!
Nguồn: https://medlatec.vn/tin-tuc/canh-bao-thoai-hoa-khop-hang-o-nguoi-tre-va-cach-phong-benh-hieu-qua-s68-n29288