Tuy không phải là bệnh hiếm gặp nhưng viêm cột sống dính khớp vẫn thường bị nhầm với nhiều vấn đề sức khỏe khác do các triệu chứng có phần tương đồng. Điều này dẫn đến việc phát hiện và điều trị bệnh chậm trễ, từ đó làm tăng nguy cơ tổn thương cột sống cũng như rủi ro tàn phế ở bệnh nhân.
Qua bài viết sau, Sống Khỏe Mỗi Ngày sẽ giải đáp bệnh viêm cột sống dính khớp là gì, có chữa được không và các vấn đề liên quan khác như triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh, những ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và cách phòng ngừa.
1. Bệnh viêm cột sống dính khớp là gì?
Viêm cột sống dính khớp là bệnh viêm hệ thống mạn tính, đặc trưng bởi thương tổn ở khớp cùng chậu, cột sống, các khớp ở chi và thậm chí cả điểm bám gân.
Ước tính có khoảng 1 – 1.4% dân số mắc bệnh. Trong đó, tỷ lệ bệnh ở đàn ông cao gấp 2 – 3 lần so với phụ nữ. Bệnh thường phát triển từ rất sớm nhưng lại tiến triển chậm, theo thời gian có thể làm dính cứng khớp và đốt sống dẫn đến tàn phế.
2. Nhận biết các triệu chứng viêm cột sống dính khớp
Triệu chứng sớm nhất và đặc trưng của căn bệnh thấp viêm này là đau thắt lưng hoặc vùng lưng – thắt lưng kiểu viêm, có thể kèm theo hiện tượng cứng cột sống vào buổi sáng. Khác với các cơn đau lưng cơ học thông thường, đau lưng kiểu viêm do viêm cột sống dính khớp thường:
- Kéo dài ít nhất 3 tháng
- Có thể khởi phát từ rất sớm, thường trong độ tuổi 17 – 45
- Cường độ khi khởi phát âm ỉ và tăng dần theo thời gian
- Không thuyên giảm khi nghỉ ngơi nhưng sẽ cải thiện khi người bệnh vận động nhẹ
Ngoài ra, tình trạng sức khỏe trên kéo theo một số triệu chứng như:
- Viêm khớp cùng chậu với dấu hiệu đau ở một hoặc cả hai bên mông
- Đau và sưng nóng kèm tràn dịch khớp do viêm ở khớp ngoại vi, chủ yếu là những khớp gốc chi đối xứng hai bên như khớp háng và khớp gối (chiếm 20% trường hợp)
- Ở Việt Nam, bệnh nhân thường có biểu hiện viêm khớp gốc chi sớm và rõ ràng hơn so với biểu hiện ở cột sống.
- Viêm điểm bám tận của gân, phổ biến nhất là ở cân gan chân và gân Achilles, đồng thời có thể kèm theo tràn dịch quanh gân
- Đau cứng cổ và khó xoay đầu, thường gặp ở bệnh nhân nữ
- Một số biểu hiện ngoài khớp:
- Ngủ không ngon giấc, thường tỉnh dậy vào khoảng nửa đêm gần sáng
- Mệt mỏi, sốt nhẹ và sụt cân
- Sưng ngón tay, ngón chân
- Viêm kết mạc và các triệu chứng tiêu hóa (tiêu chảy, đau bụng, xuất huyết…) xảy ra ở khoảng 5 – 10% trường hợp
- Viêm màng bồ đào, vẩy nến và viêm ruột mạn tính
- Biểu hiện bệnh tim mạch và phổi
Như vậy, có thể thấy bệnh không chỉ tác động đến các đốt sống và khớp mà còn nguy cơ gây suy giảm sức khỏe chung.
3. Nguyên nhân gây viêm cột sống dính khớp
Hiện nay, nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm cột sống dính khớp vẫn còn là ẩn số trong giới y học. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng cho rằng những yếu tố dưới đây sẽ góp phần dẫn đến căn bệnh tự miễn này, bao gồm:
- Giới tính: tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới không chỉ cao gấp 2 – 3 lần nữ giới mà các triệu chứng, dấu hiệu bệnh cũng có xu hướng nghiêm trọng hơn.
- Tuổi tác: bệnh thường phát hiện ở độ tuổi 20 – 30. Ngoài ra, có đến 95% bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh trước 46 tuổi, trong đó 15% là trẻ em dưới 15 tuổi.
- Bệnh nền: tiền sử bệnh Crohn, viêm loét đại tràng và vẩy nến đã được chứng minh về khả năng làm tăng nguy cơ phát triển viêm cột sống dính khớp.
Bên cạnh đó, bệnh lý trên còn có mối liên hệ chặt chẽ với yếu tố kháng nguyên hòa hợp mô HLA-B27.
Theo một số chuyên gia, ước tính chỉ khoảng 8% dân số thế giới có kháng nguyên hòa hợp mô HLA-B27. Mặc dù loại kháng nguyên này được tìm thấy trong 80 – 90% bệnh nhân nhưng thực tế, không phải ai có HLA-B27 cũng đều mắc bệnh. Thay vào đó, những người này chỉ có 2 – 10% nguy cơ bị bệnh.
Ngoài HLA-B27, các biến thể di truyền ở ERAP1, IL1A và IL23R cũng liên quan đến sự phát triển của căn bệnh thấp viêm này.
4. Viêm cột sống dính khớp có di truyền không?
Với trường hợp viêm cột sống dính khớp dương tính HLA-B27, bệnh có tính di truyền. Nghiên cứu cho thấy trẻ nhỏ có bố hoặc mẹ mắc bệnh, đồng thời thừa hưởng yếu tố kháng nguyên hòa hợp mô HLA-B27 từ họ sẽ có tỷ lệ mắc bệnh tăng đến 20%.
5. Viêm cột sống dính khớp có nguy hiểm không?
Nếu không sớm được chẩn đoán và điều trị, kiểm soát tốt, những thương tổn do viêm không chỉ ảnh hưởng đến các đốt sống mà còn liên lụy đến nhiều khớp ngoại vi và thậm chí có cả cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến hàng loạt hệ lụy nguy hiểm như:
5.1. Dính khớp và đốt sống
Cơ thể sẽ thúc đẩy quá trình hình thành xương mới khi tình trạng viêm trở nặng. Sự hiện diện của những đoạn xương này sẽ làm thu hẹp khoảng cách giữa các khớp hoặc đốt sống, cuối cùng làm cho chúng dính lại với nhau. Khi đó, cột sống sẽ cứng lại và mất đi độ linh hoạt vốn có, có thể khiến người bệnh luôn trong tư thế gập người hoặc dẫn đến tình trạng “cột sống cây tre”.
Ngoài ra, nếu tình trạng dính cứng xảy ra ở khớp xương sườn – đốt sống, dung tích và chức năng của phổi sẽ bị ảnh hưởng.
5.2. Viêm màng bồ đào
Đây là dạng tổn thương phối hợp thường gặp nhất ở bệnh nhân viêm cột sống dính khớp với một số biểu hiện như:
- Đau mắt
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Mờ mắt
5.3. Nứt, gãy xương
Căn bệnh viêm hệ thống mạn tính này có thể khiến xương mỏng dần ngay từ giai đoạn đầu. Điều này làm tăng mức độ nghiêm trọng của tư thế khom lưng vì khi đó, các đốt sống suy yếu rất dễ bị nứt, gãy.
Gãy xương sống có nguy cơ gây áp lực và tổn thương tủy sống cũng như các rễ thần kinh xung quanh, từ đó dẫn đến tàn phế hoặc hội chứng chùm đuôi ngựa (Cauda equina syndrome). Tình trạng này không chỉ gây ngứa và tê yếu ở chân hoặc bàn chân mà còn có thể gây rối loạn chức năng ruột và bàn chân nếu không được điều trị kịp thời
5.4. Hệ lụy tim mạch
Trong một số trường hợp, tình trạng viêm có thể ảnh hưởng đến động mạch chủ, từ đó gây biến dạng van động mạch chủ ở tim, đồng thời làm suy giảm chức năng của cơ quan này.
5.5. Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
Ngoài những vấn đề trên, viêm cột sống dính khớp còn làm giảm chất lượng cuộc sống hàng của bệnh nhân bằng cách khiến họ:
- Mất dần khả năng tự chăm sóc bản thân
- Giảm năng suất làm việc hoặc thậm chí mất việc, từ đó gây nên gánh nặng kinh tế
- Thu hẹp các mối quan hệ trong gia đình và xã hội, tự cô lập mình và dễ bị trầm cảm
6. Chẩn đoán viêm cột sống dính khớp
Để chẩn đoán bệnh viêm cột sống dính khớp, bên cạnh việc thăm khám triệu chứng lâm sàng, các bác còn cần đến một số thủ thuật xét nghiệm như:
6.1. Chẩn đoán hình ảnh
Trong trường hợp này, chụp X-quang thường được chỉ định với mục đích tìm kiếm các dấu hiệu:
- Viêm khớp cùng chậu (khe khớp cùng chậu rộng, đặc xương ở bờ khớp…)
- Tổn thương cột sống (xơ hóa dây chằng xung quanh, canxi hóa đĩa đệm, tổn thương khớp xương sườn đốt sống…)
- Thương tổn ở khớp háng (có dấu hiệu viêm ở cả hai bên, hẹp khe khớp, bào mòn đối xứng qua khe khớp…)
Ngoài ra, vì những thay đổi ở cột sống chỉ thể hiện trên ảnh chụp X-quang vào giai đoạn muộn nên nếu nghi ngờ bệnh đan ở giai đoạn đầu, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh chụp MRI để tìm kiếm tín hiệu viêm hoạt động ở cột sống hoặc khớp cùng chậu, từ đó có thể sớm chẩn đoán bệnh.
6.2. Xét nghiệm máu
Để xác định một người có bị viêm cột sống dính khớp hay không, đồng thời kiểm tra các bệnh kèm theo, bác sĩ còn có thể thu thập mẫu máu của người bệnh nhằm tiến hành một số xét nghiệm như:
- Tìm kiếm kháng nguyên hòa hợp mô HLA-B27
- Tổng phân tích tế bào máu (CBC)
- Đo tốc độ máu lắng
- Tìm kiếm protein phản ứng C (xét nghiệm CRP)
- Kiểm tra chức năng gan (GOT, GPT)
- Kiểm tra chức năng thận bằng cách định lượng creatinin
7. Viêm cột sống dính khớp có chữa được không?
Tương tự các bệnh viêm khớp tự miễn khác, bệnh không thể chữa khỏi tận gốc. Mặc dù vậy, với sự tiến bộ của nền y học hiện đại, bệnh nhân hoàn toàn có thể thuyên giảm triệu chứng, kìm hãm quá trình tiến triển của bệnh, đồng thời hạn chế rủi ro tàn phế và phát sinh biến chứng.
7.1. Phương pháp điều trị
Do không thể chữa trị dứt điểm nên các phương pháp hiện nay chủ yếu tập trung vào việc:
- Giảm đau và chống viêm
- Ngăn ngừa cứng khớp, đặc biệt là cứng khớp ở tư thế xấu
- Khắc phục tình trạng dính khớp nếu đã xảy ra, từ đó giảm thiểu rủi ro tàn phế
- Cải thiện khả năng vận động
Hiện nay, khoa Nội Cơ Xương Khớp trực thuộc Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tự hào là đơn vị tiên phong trong việc cập nhật và áp dụng các thành tựu y học tân tiến nhất để điều trị bệnh viêm cột sống dính khớp. Các phương pháp chữa trị bao gồm:
7.2. Điều trị không dùng thuốc
Vận động đều đặn là yếu tố không thể thiếu trong quá trình điều trị cũng như sống chung với căn bệnh viêm hệ thống này. Một chế độ tập luyện phù hợp không chỉ giúp thuyên giảm triệu chứng đau cứng khớp và cột sống mà còn hỗ trợ duy trì tính linh hoạt của chúng, đồng thời nâng cao sức khỏe tinh thần của bệnh nhân.
Những hoạt động, bài tập chữa viêm cột sống dính khớp phổ biến có thể kể đến như sau:
- Một số bài tập yoga, ví dụ như tư thế con mèo – con bò, tư thế cây cầu…
- Các bài tập kéo giãn, co duỗi cơ
- Thể dục nhịp điệu
- Đạp xe
- Bơi lội
- Đi bộ
Bệnh nhân có thể tự tập ở nhà, tập theo nhóm hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia vật lý trị liệu chuyên nghiệp để được tư vấn các bài tập phù hợp, đồng thời giám sát về cường độ luyện tập. Ngoài ra, nếu luyện tập một mình, người bệnh cần lưu ý:
- Tham vấn cùng bác sĩ chuyên khoa về kế hoạch tập luyện trước khi bắt đầu
- Không chọn những bài tập, hoạt động cường độ cao gây tác động tiêu cực đến các triệu chứng bệnh
- Nên bắt đầu với cường độ thấp, sau đó tăng theo thời gian để cơ thể thích nghi với việc luyện tập
- Cố gắng tập thể dục đều đặn theo đúng kế hoạch
- Lập tức ngưng tập luyện và tìm gặp bác sĩ càng sớm càng tốt khi có biểu hiện đau nhức bất thường ở vùng lưng – thắt lưng hoặc các khớp ngoại vi
7.3. Điều trị viêm cột sống dính khớp bằng thuốc
Tùy theo từng trường hợp mà bác sĩ chuyên khoa có thể kê toa một hoặc nhiều thuốc kết hợp để kiểm soát tốt tình trạng viêm cột sống dính khớp. Nhìn chung, các loại thuốc được chỉ định thường là:
- Nhóm thuốc giảm đau kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs), chẳng hạn như meloxicam, etoricoxib, celecoxib… Đây thường là lựa chọn điều trị đầu tay của nhiều bệnh nhân. Tuy thuốc đem lại hiệu quả trong việc chữa đau, cứng khớp và đốt sống do viêm nhưng người bệnh cần cẩn thận khi dùng, vì đôi khi thuốc NSAIDs có thể gây tác dụng phụ lên dạ dày, tim mạch và thận, đặc biệt nếu được sử dụng trong thời gian dài.
- Thuốc corticosteroids dạng tiêm tại chỗ (không khuyến cáo điều trị toàn thân), chủ yếu dành cho những trường hợp:
- Viêm điểm bám gân
- Viêm khớp ngoại biên
- Nhóm thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs) như sulfasalazine, methotrexate… thường dành cho bệnh nhân có triệu chứng viêm khớp ngoại biên.
- Thuốc sinh học (chế phẩm sinh học) gồm hai loại chính là:
- Thuốc kháng TNFα dành cho các thể bệnh hoạt động dai dẳng dù đã được chữa trị thường quy, có thể kết hợp với thuốc đường uống
- Thuốc ức chế Interleukin – 17 dùng dưới dạng tiêm
7.4. Phẫu thuật cho người bị viêm cột sống dính khớp
Phẫu thuật sẽ là lựa chọn điều trị cuối cùng khi:
- Phương pháp điều trị nội khoa không đem lại hiệu quả như mong đợi
- Cấu trúc cột sống hoặc khớp háng của bệnh nhân tổn thương nghiêm trọng, đặc biệt là gãy đốt sống cấp tính
Những loại phẫu thuật được chỉ định cho người bị viêm cột sống dính khớp thường là:
- Phẫu thuật chỉnh hình cột sống: dành cho trường hợp cột sống biến dạng.
- Phẫu thuật thay khớp háng: áp dụng trong trường hợp bệnh nhân bị đau trong thời gian dài, hạn chế vận động và có dấu hiệu cấu trúc khớp háng rõ ràng trên phim chụp X-quang.
7.5. Một số biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà
Bên cạnh những phương pháp điều trị trên, bệnh nhân viêm cột sống dính khớp cũng có thể áp dụng thêm một số phương pháp hỗ trợ điều trị tại nhà để có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày.
Các biện pháp này có thể kể đến như:
- Chườm nóng và chườm lạnh
- Xoa bóp, massage
- Châm cứu
- Thay đổi tư thế tốt khi vận động cũng như nghỉ ngơi
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, phù hợp
8. Phòng ngừa viêm cột sống dính khớp
Vì nguyên nhân gây bệnh vẫn còn là ẩn số nên không có cách nào giúp ngăn ngừa viêm cột sống dính khớp hoàn toàn. Mặc dù vậy, thói quen rèn luyện thể chất thường xuyên kết hợp với việc ăn uống lành mạnh, khoa học sẽ giúp trì hoãn quá trình tiến triển của bệnh, đồng thời ngăn ngừa các khớp và đốt sống dính lại với nhau gây tàn tật vĩnh viễn.
Nguồn: https://tamanhhospital.vn/viem-cot-song-dinh-khop/
Bài viết liên quan:
- Viêm khớp phản ứng có nguy hiểm không ?
- Các dạng viêm khớp thường gặp hiện nay
- Viêm khớp liên mấu cột sống – Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
- Viêm khớp sụn sườn là gì? Dấu hiệu nhận biết, điều trị và cách phòng ngừa
- Viêm khớp ức đòn là bệnh gì? Có điều trị triệt để được không?
- Thấp khớp cấp – Nguyên nhân, điều trị & phòng ngừa bệnh
- Viêm Khớp Vảy Nến và 8 biến chứng nguy hiểm